Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dồn sức xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đang hồi phục sau dịch covid-19
Hải Yến - 21/03/2020 08:10
 
Trong bối cảnh nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU đang bị tạm dừng, giãn tiến độ do dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị DN thuộc các ngành hàng tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đang hồi phục sau dịch covid-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các DN, hiệp hội ngành hàng và các Vụ liên quan đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đang phục hồi sau dịch covid-19.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các DN, hiệp hội ngành hàng và các đơn vị liên quan đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đang phục hồi sau dịch covid-19.

Chiều ngày 20/3/2020, Bộ Công Thương họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia và có diễn biến phức tạp tại 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ và EU.

Chưa hết lo cạn nguyên liệu lại lo ngưng trệ xuất khẩu

Thông tin từ doanh nghiệp dệt may cả Bắc lẫn Nam, chỉ trong ba ngày từ 16-18/3/2020, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo không mấy tích cực đối với các DN sản xuất dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại. Với các mặt hàng mang tính mùa vụ kinh doanh trong tháng 4, tháng 5 rất khó khăn, có khách hủy đơn hàng. 

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc đang dần được khôi phục trở lại, nguyên liệu cho sản xuất đã có tín hiệu tích cực thì nhiều ngành xuất khẩu lại gặp khó với EU, Mỹ do dịch covid-19 bùng phát. Khó cho dệt may, giày dép, thủy hải sản, đồ gỗ...vì đây là 2 thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, các ngành công nghiệp nặng như thép, ôtô… đang giảm sâu do nhu cầu giảm thấp. Công nghiệp thực phẩm như ngành bia sản lượng chỉ đạt 60-70% so với cùng kỳ.. Với ngành xuất khẩu lớn sang Mỹ và EU như dệt may, da giày, do đối tác đề nghị giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi. Việc này khiến dệt may, da giày đang hứng chịu tác động kép từ Covid-19.

Theo ông Lê Tiến Trường,Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị trường Mỹ chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2019, EU chiếm 18%, tổng cả 2 thị trường này chiếm hơn 64% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, chính vì vậy, covid-19 sẽ dẫn đến giảm cầu, đây là tình huống trong 20 năm tồn tại phát triển của Tập đoàn chưa từng gặp hiện tượng này.

"Ta đã trải qua khủng hoảng kinh tế, nhưng kể cả lúc đó, cầu giảm nhưng kế hoạch sản xuất vẫn tương đối ổn định. Đây là sự dừng đột ngột và hoãn rất dài kế hoạch sản xuất thì đây là lần đầu tiên ngành dệt may phải đối mặt. Quy mô thị trường nội địa mới khoảng 5 tỷ USD trong khi năng lực sản xuất lên trên 40 tỷ USD/năm, 90% là tiêu thụ ở kênh xuất khẩu thì khẳng định là thị trường nội địa không thể ghánh nổi sự sụt giảm xuất khẩu của ngành dệt may", ông Trường phân tích..

Tập trung vào thị trường đang hồi phục sau covid-19 

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi xác nhận, trong khi EU, Mỹ gặp khó thì một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Asean vẫn được các DN xuất khẩu hàng hóa bình thường. Hàn Quốc dù bị Covid nặng nề nhưng không đóng cửa biên giới, không cắt giảm chuyến bay, hoạt động giao thương đường biển vẫn bình thường, nên thời gian tới, cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này.

Đầu tuần tới, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm hiểu khó khăn, đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.

Tín hiệu tích cực là những ngày gần đây, công xưởng sản xuất tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại và các DN cần đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu tại các thị trường mới hồi phục Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường ASEAN.

Bộ trường Trần Tuấn Anh trực tiếp yêu cầu  Vụ Thị trường châu Á-châu Phi nghiên cứu, đánh giá kỹ về các thị trường này, đồng thời triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc mở cửa thị trường, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng mới, từ đó khơi thông hàng hóa Việt Nam.

"Cơ hội cho hàng hóa sau dịch bệnh là rất lớn, qua đó có thể mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần. Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu công nghiệp chế biến, đặc biệt là hàng hóa nông sản", Bộ trưởng khẳng định.

Với các đề xuất giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ sớm có nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ.

Xuất khẩu dệt may ảnh hưởng ra sao khi EU đóng cửa biên giới
Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,9 tỷ USD sau 2,5 tháng đầu năm, ngành dệt may chắc chắn không thể tránh khỏi sụt giảm xuất khẩu do EU, thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư