Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đồng chí Đỗ Mười với cơ chế đầu tư, hoạch định chính sách cho nông nghiệp
Chúng tôi trân trọng học theo cụ Đỗ Mười. Cụ đọc nhiều sách, bỏ nhiều công phu nghiên cứu về tình hình nông nghiệp kinh tế hộ. Cụ dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm chắc tình hình, giúp Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách cho nông nghiệp. Cụ đánh giá rất cao vai trò của nông dân.

Trên 85% nông dân sống ở nông thôn. Họ là quân chủ lực, giàu lòng yêu nước, đi theo cách mạng, bảo vệ cách mạng, theo Đảng đến cùng. Khi cách mạng thành công, người nông dân đã có ruộng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng thay đổi. Tuy vậy, đại đa số nông dân còn nhiều khó khăn.

Trong nhiều cuộc hội nghị, cụ Mười rất trăn trở, nói lên suy nghĩ của mình, đại ý: Tôi còn nợ nông dân nhiều quá, một bộ phận nông dân còn nghèo, mù chữ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ ở nhiều nơi còn mất dân chủ, niềm tin của bà con nông dân bị mai một. Nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, nhưng nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng nhiều do thiên tai, mưa lũ, nắng hạn mà ta chưa khắc phục được. Vì vậy, phải tập trung làm quy hoạch thủy lợi...

Những đề xuất của cụ Mười về vấn đề thủy lợi đã được đưa vào nghị quyết của các hội nghị của Trung ương, cũng như của các kỳ đại hội của nông dân. Thời kỳ đầu do tầm nhìn hạn chế nên nghiên cứu chưa tập trung, còn chắp vá, xử lý theo tình thế. Sau này được Đảng và Nhà nước quan tâm, đưa lên thành chính sách, từ đó đã kêu gọi, tập trung được trí tuệ của các nhà khoa học để hoạch định hệ thống thủy lợi trong cả nước. Trong những năm làm Phó Thủ tướng cho đến sau này là Tổng Bí thư, cụ Mười đã đi nhiều nơi trên đất nước và có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng các công trình thủy lợi, như: Thạch Nham, Sông Hinh, Dầu Tiếng...; thủy điện như: Thác Bà, Hòa Bình, Trị An…; các nhà máy phục vụ nông nghiệp như: Apatít Lào Cai, Super phốt phát Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, Điện - đạm Cà Mau.

Các hệ thống sông, hồ cũng được quy hoạch theo một hệ thống tưới, tiêu khoa học, có hệ thống cống, mương, máng và hệ thống máy bơm hợp lý nên đã chủ động việc điều tiết nguồn nước cho nông nghiệp.

Hiện nay, nhìn chung hệ thống thủy lợi tương đối tốt, ở miền Bắc tương đối hoàn chỉnh. Như vậy là thủy lợi đã đi trước một bước, chủ động tưới, tiêu để chống hạn, chống úng.

Khi làm Tổng Bí thư của Đảng, cụ Mười càng quan tâm đến phát triển nông nghiệp nhiều hơn. Đặc biệt là vấn đề tiết kiệm đất nông nghiệp. Cụ nói: "Từ khi tôi làm Phó Thủ tướng, tôi không bao giờ lấy đất nông nghiệp để làm công nghiệp. Các công trình công nghiệp đều đưa lên đồi, ai muốn lấy một hécta đất canh tác để làm gì đó đều phải xin phép Thủ tướng Chính phủ".

Cụ theo sát sự thành công trong nông nghiệp, cụ căn dặn chúng tôi phải quan tâm đến xây dựng điển hình, từ đó nhân rộng giúp nông dân làm giàu.

Mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng cụ vẫn đi đến các tỉnh, đặc biệt là đến với bà con ở miền núi. Mỗi khi đi vào nhà của đồng bào, cụ chú ý đến chất lượng bữa ăn của họ. Mỗi khi có hội nghị thi đua của những người nông dân làm ăn giỏi, cụ vui vẻ nhận lời đến dự. Các đại biểu nông dân nhìn thấy cụ là xúm lại, vây quanh để được nghe cụ nói chuyện. Cụ dặn cán bộ là phải quan tâm đến trường học, đường làng, điện, chú ý đến dân sinh, dân trí, dân chủ.

Tôi hết sức cảm động khi mỗi lần đến nhà thăm, cụ thường nhắc: "Ông là thủ lĩnh của nông dân, ông xem lãi ròng của nông dân bao nhiêu? Ông phải quan tâm đến mô hình mới. Nông dân ta rất năng động, chính nông dân đã sáng chế ra máy bóc đỗ, bóc lạc, máy cày. Ông Nghĩa ở Long An còn cải tiến máy gieo hạt. Kinh tế hộ có tiềm năng lớn, nhưng chỉ làm ăn riêng lẻ thì không tiến ăn được, phải biết "dồn điền, đổi thửa" để đưa máy móc vào mới có năng suất cao được. Muốn vậy phải xây dựng và củng cố các hợp tác xã và các nông, lâm trường quốc doanh để có hướng làm ăn lớn".

Nghe cụ nói như vậy, tôi cảm phục lắm, tôi nói với cụ: "Ý của cụ gợi mở, anh em đã chỉ đạo thực hiện tốt về kinh tế hộ, mở rộng phạm vi liên doanh, đưa máy mới vào. Đến nay, người nghèo đã đủ ăn, đã có nhiều hộ nông dân giàu lên nhanh chóng".

Đồng chí Đỗ Mười thăm người dân Phan Thiết thu hoạch lúa(Ảnh tư liệu)
Đồng chí Đỗ Mười thăm người dân Phan Thiết thu hoạch lúa(Ảnh tư liệu)

Cụ hỏi: "Một hécta các anh tính ra bao nhiêu ngày công? Hiệu quả ra sao? Bộ máy lãnh đạo ở nông thôn như thế nào? Dân có tin Đảng không? Đảng có tin dân không? Các cậu phải nhớ dân chủ là động lực, là mục tiêu của cách mạng”.

Nghe những lời cụ dặn dò chúng tôi rất thấm thía. Tôi nhận thấy cụ là một nhà lãnh đạo của Đảng, luôn dành nhiều tình cảm và trí tuệ cho nông dân và Hội Nông dân. Tôi rất trân trọng tình cảm của cụ, cụ là tấm gương sáng cho tôi noi theo.

Thủ tướng viết về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn trân trọng giới thiệu bài viết có tựa đề "ĐỒNG CHÍ ĐỖ MƯỜI - NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG, TỔNG BÍ THƯ KIÊN ĐỊNH,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư