Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Đông Sơn (Thanh Hóa) phát triển kinh tế vệ tinh đô thị
Sĩ Chức - 07/05/2014 12:54
 
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, phần đất còn lại của huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) phần lớn là nông nghiệp. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Phát, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Đông Sơn lạc quan cho rằng, lợi thế trở thành vùng vệ tinh của đô thị lớn sẽ là động lực để huyện chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, đâu là tiềm năng và thế mạnh của huyện Đông Sơn?

Đông Sơn có vị trí địa lý thuận lợi, bởi nằm cận các vùng kinh tế động lực, có các trục giao thông quốc gia đi qua, như Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, gần Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam. Đây là huyện ngoại đô có ranh giới lớn với TP. Thanh Hóa - trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh và là cửa ngõ của tất cả các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

  Đông Sơn (Thanh Hóa) phát triển kinh tế vệ tinh đô thị  
 

Nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh từ tiềm năng sẵn có của Đông Sơn

 

Vị trí địa lý đó đã tạo cho huyện Đông Sơn một vị thế hết sức chiến lược về phát triển kinh tế, thể hiện ở các lĩnh vực:

Thứ nhất là tiềm năng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đặc điểm địa hình và hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, Đông Sơn có nhiều thuận lợi cho việc bố trí sản xuất nông - lâm nghiệp thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn; thâm canh tăng vụ, tăng năng suất.

Thứ hai là tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái và du lịch lịch sử. Đông Sơn được biết đến như một địa danh của khảo cổ học - cái nôi của loài người, nơi còn lưu giữ những dấu ấn của người Việt cổ. Nền văn hoá Đông Sơn không chỉ là di sản của Thanh Hoá, mà còn là di sản của cả dân tộc.

Năm 2015, khi TP. Thanh Hóa lên đô thị loại I, Đông Sơn sẽ trở thành ngoại ô của một đô thị lớn. Việc phát triển du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng… sẽ là hướng phát triển đúng đắn.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, huyện Đông Sơn luôn đi đầu trong việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.

Mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Trước mắt, từ nay đến năm 2015, huyện đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,5%/năm trở lên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 31%, dịch vụ 37,1%, nông - lâm - thủy sản chiếm 31,9%; xuất khẩu hàng hoá năm 2015 đạt 12 triệu USD; phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm hơn 45%; giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động, trong đó có khoảng 2.100 người đi xuất khẩu lao động… Đây là những mục tiêu dựa trên nền tảng, tiềm năng thực sự, khi Đông Sơn trở thành vệ tinh của TP. Thanh Hoá là đô thị loại I.

Thực tế, vấn đề then chốt của kinh tế Đông Sơn là phải đưa ra những hướng đi phù hợp để xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao. Hướng phát triển ngành này theo chiều sâu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lãnh đạo huyện.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với 3 chương trình trọng tâm trong giai đoạn 2010 - 2015, đó là: chương trình phát triển ngành nghề nông thôn; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình đầu tư, xây dựng, hoàn thiện nhà văn hóa, khu thể thao xã, thị trấn, thôn, khối phố.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩn an toàn và giá trị… Qua đó, thực hiện có hiệu quả chương trình vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả với diện tích 3.700 ha, mục tiêu đạt sản lượng lương thực 61.000 tấn/năm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi 300 ha để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò… 

Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng một số cụm công nghiệp làng nghề, như Khu công nghiệp Đông Tiến, Cụm làng nghề các xã Đông Hoàng, Đông Phú, bằng nguồn thu từ khai thác quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp cơ khí - chế tạo, chế biến gỗ...

Đồng thời, đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải và trung chuyển hàng hóa nhằm khai thác tối đa lợi thế của một huyện cửa ngõ phía Tây TP. Thanh Hóa và Quốc lộ 45, 47 đi qua để phát triển mạnh dịch vụ, thương mại, phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh và các loại hình dịch vụ y tế, giáo dục... Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn huyện lỵ huyện Đông Sơn với diện tích 528,25 ha và quy hoạch một số trục giao thông nối với TP. Thanh Hóa để phát triển các ngành dịch vụ và khai thác hiệu quả quỹ đất, sử dụng hiệu quả nguồn thu khai thác từ quỹ đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thiện đồng bộ và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư, các công trình đầu tư tạo động lực cho phát triển kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm xây dựng thành công tất cả các xã của huyện trở thành xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020, phấn đấu 5 xã hoàn thành trước năm 2015.

Huyện sẽ ưu tiên, ưu đãi đầu tư vào những lĩnh vực nào trong thời gian tới?

Một số lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi đầu tư chủ yếu là kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, cụm làng nghề, hệ thống giao thông liên tuyến, liên xã; trung tâm thương mại, siêu thị và hệ thống chợ trên địa bàn huyện; các khu du lịch lịch sử, du lịch sinh thái; các lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm tổng hợp; đầu tư phát triển ngành nông nghiệp chế biến, nông nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, công nghệ xử lý chất thải…

Ông có thể cho biết những chính sách ưu đãi cụ thể?

Thời gian qua, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 27/6/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, với nhiều giải pháp kèm theo các chính sách thu hút đầu tư và cơ chế hỗ trợ, như chính sách về giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Đông Tiến; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng.

Huyện đã đưa ra các cơ chế hỗ trợ cụ thể, như hỗ trợ chi phí đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng; hỗ trợ các đơn vị tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ do tỉnh tổ chức với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/gian hàng; hỗ trợ các đơn vị có dự án đầu tư mới, mở rộng quy mô dựa trên áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm, với mức hỗ trợ 100 triệu đồng đối với dự án có vốn đầu 2 - 3 tỷ đồng, hỗ trợ 150 triệu đồng đối với dự án có vốn đầu tư 3 - 4 tỷ đồng, hỗ trợ 200 triệu đồng đối với dự án có vốn đầu tư từ 4 tỷ đồng trở lên; hỗ trợ các xã lập quy hoạch cụm nghề cấp xã với mức 100 triệu đồng/cụm; hỗ trợ các xã, thị trấn, các đơn vị đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác với mức 50 triệu đồng/đơn vị.

TIN LIÊN QUAN
Khởi công Sân golf và Khu nghỉ dưỡng Quốc tế 1.200 tỷ
Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội du lịch Sầm Sơn 2014
Thanh Hóa tái khởi động dự án xây dựng chợ Bỉm Sơn

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư