Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đồng Tháp phát triển du lịch xanh
Huy Tự - 03/08/2015 08:43
 
Đồng Tháp có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Tỉnh có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, căn cứ địa kháng chiến và di tích lịch sử, văn hóa, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn và du lịch tâm linh.
Các cánh đồng sen bát ngát của Đồng Tháp là điểm du lịch lý thú với du khách
Các cánh đồng sen bát ngát của Đồng Tháp là điểm du lịch lý thú với du khách

 

Theo danh mục các khu bảo tồn đa dạng sinh học vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thì Đồng Tháp có 3 khu nằm trong danh mục này, đó là Khu bảo tồn Tràm Chim với 7.313 ha, thuộc huyện Tam Nông; Khu bảo tồn Xẻo Quýt với trên 62 ha, thuộc huyện Cao Lãnh và Khu bảo tồn Gò Tháp với gần 290 ha, thuộc huyện Tháp Mười.

Khu bảo tồn Xẻo Quýt và Khu bảo tồn Gò Tháp do đáp ứng tiêu chí về bảo vệ cảnh quan nên được chuyển tiếp thành Khu bảo vệ cảnh quan; Khu bảo tồn Tràm Chim được chuyển tiếp thành Vườn quốc gia. Cả 3 khu bảo tồn này đều do UBND tỉnh Đồng Tháp quản lý và là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ du lịch sinh thái về nguồn, du lịch văn hoá, lịch sử

Xẻo Quýt là một trong những điểm du lịch về nguồn độc đáo, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Khu căn cứ Xẻo Quýt rộng khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh, thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, cách TP. Cao Lãnh hơn 30 km. Để đến Xẻo Quýt, du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy. Thông thường, du khách đi qua ngã ba An Hữu thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang) đến cầu Long Hiệp, rồi từ đó đón đò đi Xẻo Quýt, hoặc có thể đi đường bộ từ Quốc lộ 1 rồi rẽ vào Quốc lộ 30, đến thẳng Xẻo Quýt.

Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp, gió mát trong lành nằm giữa vùng đất trũng với nhiều loại cây: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng... Khi xưa, nơi này hoang vu cỏ dại, kênh rạch chằng chịt, lau sậy mịt mùng, nên từ năm 1960 - 1975 đã được Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

Nếu đến Xẻo Quýt vào mùa khô, du khách sẽ len lỏi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo dưới tán tràm mát rượi, nếu mỏi chân có thể mắc võng, ngả lưng ngắm nhìn cây lá. Mùa nước lên, trên chiếc xuồng ba lá, những cô hướng dẫn viên, trong vai những cô du kích áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo đưa bạn luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào những di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông. Tiếng nước róc rách, cá quẫy và chim hót trên những hàng cây cao vút, xanh rì, bao phủ bởi lớp dây leo mềm mại, đem lại những giây phút thư thái, bình yên cho khách tham quan.

Ngoài ra, môi trường sinh thái ở đây hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp...

Khu di tích Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười,  cách huyện lỵ Tháp Mười khoảng 11 km về hướng Bắc, cách TP. Cao Lãnh 43 km về hướng Đông Bắc (theo đường bộ và đường thủy). Đây là Khu di tích cấp quốc gia được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận từ năm 1998, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc.

Cuối năm 2012, Chính phủ xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào đối với tỉnh Đồng Tháp, mà còn là sự khẳng định rõ ràng nhất về giá trị to lớn của di tích Gò Tháp.

Đến Gò Tháp, du khách sẽ bất ngờ bởi đây không chỉ là khu di tích mà còn có cảnh quan thiên nhiên đẹp và hoang sơ. Gò Tháp có chiều dài gần 500 m, ngang 200 m, vào mùa khô nhiều gò cát lớn nhỏ uốn lượn quanh co, tạo thành khu gò nổi, trên gò có nhiều cây cổ thụ trăm tuổi xoè bóng mát, sừng sững vươn cao. Mùa nước nổi thì đồng nước mênh mông xen lẫn màu xanh cây cỏ, tạo thành phong cảnh thiên nhiên kì vĩ.

Tính từ con lộ Mỹ Hoà đi vào, quần thể di tích Gò Tháp gồm có 5 di tích tiêu biểu: gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ cụ Đốc binh Kiều, gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ. Tại đây, giới khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di vật cổ rất giá trị, chứng tích của nền văn hóa Óc Eo xưa. Ở cực Nam của quần thể di tích Gò Tháp là Gò Tháp Mười, cũng chính là gò cao nhất (5,046 m). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, di tích Gò Tháp Mười từng là căn cứ của các cơ quan ở Nam Bộ và Khu 8.    

Hàng năm, nơi đây tổ chức hai kì lễ hội truyền thống dân gian: vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 âm lịch) và tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều (rằm tháng 11 âm lịch), đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách.

Đến du lịch cộng đồng với nhiều trải nghiệm lý thú

Vào các ngày trong tuần, đặc biệt là thứ Bảy, Chủ nhật, có rất đông khách đến tham quan tại các cánh đồng sen xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Loại hình du lịch cộng đồng này đang phát triển mạnh và đáp ứng nhu cầu cho du khách muốn trải nghiệm và khám phá. Khi được tận mắt chứng kiến những cánh đồng sen bát ngát trải dài ngút tầm mắt với hoa sen trắng hồng nở rộ, trang điểm cho cánh đồng thêm nét xuân thì. Đắm mình trong không gian được hòa quyện giữa hương đồng gió nội với hương sen dịu ngọt, tinh khiết, thì bao nhiêu mệt nhọc bỗng như tan biến.

Hiện nay, huyện Tháp Mười có 5 hộ nông dân đưa cánh đồng sen vào phục vụ du lịch với tổng diện tích khoảng 10 ha. Từ khi có loại hình dịch vụ này, người dân trong huyện, đặc biệt bà con nông dân tại 2 xã Mỹ Hòa và Tân Kiều rất vui mừng vì không chỉ khu du lịch đồng sen có thể quảng bá hình ảnh quê hương Tháp Mười đến với du khách, mà còn giúp một số hộ dân trong vùng và lân cận có việc làm ổn định, tăng thu nhập từ việc phát triển dịch vụ phục vụ nhu cầu khách tham quan.

Để phát huy hiệu quả du lịch cộng đồng tại đồng sen Tháp Mười, UBND huyện Tháp Mười đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch cộng đồng, trước mắt, địa phương sẽ thực hiện tiếp các bước lập quy hoạch phân khu du lịch đồng sen Tháp Mười với diện tích 150 ha. Bên cạnh đó, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch để loại hình du lịch này phát huy hiệu quả và phát triển bền vững trong tương lai. Huyện Tháp Mười xác định, loại hình du lịch cộng đồng còn khá mới mẻ nên việc tạo mối liên kết giữa cộng đồng dân cư, đơn vị kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vốn có của địa phương là hết sức cần thiết.

Tăng cường liên kết, xã hội hoá đầu tư

Theo sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp,  6 tháng đầu năm 2015, số khách đến du lịch Đồng Tháp là 1,3 triệu lượt người, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 27 ngàn khách quốc tế. Qua đó có thể thấy tiềm năng du lịch tỉnh bước đầu được khai thác hiệu quả, hứa hẹn nhiều tín hiệu lạc quan.

Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2015, tại TP.HCM và TP.Cần Thơ đã diễn ra 2 lễ hội du lịch: Sen trời Nam 2015 và Tuần lễ du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long. Tham gia lễ hội, Đồng Tháp đã mang đến ấn tượng đẹp cho khách tham quan, với việc trưng bày, triển lãm và hội thảo: “Hành trình Sen - Hương sắc miền sông nước”. Tại hội thảo, các công ty du lịch, công ty lữ hành đánh giá cao tiềm năng và lợi thế du lịch của tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, các đơn vị sẽ tăng cường liên kết với địa phương khai thác thêm các tuyến du lịch, PGS-TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ  cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ địa phương trong việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là nghiên cứu bảo tồn, phát triển hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Ngoài hội thảo, tỉnh còn tham gia gian hàng triển lãm tại Hội chợ Du lịch, Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long ở Khu đô thị Phú An (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) để giới thiệu những đặc sản, sản phẩm quà tặng đặc trưng, các tuyến, điểm du lịch của tỉnh đến với du khách gần xa.

Tỉnh Đồng Tháp sẽ xây dựng TP. Cao Lãnh trở thành "thủ phủ" của đất sen hồng, của kiến trúc xanh và hoa sen. Ngành du lịch Đồng Tháp thực hiện việc liên kết vùng, tạo điểm nhấn riêng biệt cho du khách khi đến Đồng Tháp; phối hợp với các công ty du lịch hình thành 2 tour đường thủy, 4 tour đường bộ từ Đồng Tháp xuyên qua các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia.

Năm 2015, Đồng Tháp triển khai đầu tư 7 dự án trọng điểm là Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quýt, Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Gò Tháp - Đồng sen Tháp Mười, TP. Sa Đéc và làng bè Bình Thạnh. Trước mắt, ngành du lịch thực hiện việc làm xanh - sạch - đẹp các điểm du lịch trọng điểm; gắn xây dựng, bảo vệ môi trường; thí điểm mô hình đào tạo theo nhóm, thuê quản lý, thực hiện việc đào tạo - chuyển giao tại Khu di tích Xẻo Quýt; thí điểm xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm tại TP. Cao Lãnh và du lịch home-stay tại Sa Đéc; chuẩn bị tổ chức tốt Ngày hội du lịch Tràm Chim, dự kiến vào cuối tháng 9 tới...

Riêng Đồng sen Tháp Mười và Gò Tháp sẽ trở thành điểm du lịch trọng điểm. Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã lập quy hoạch phân khu Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười thuộc huyện Tháp Mười. Đây là khu du lịch cộng đồng với định hướng là du lịch sinh thái, nhằm giới thiệu và quảng bá về hoa sen và các sản phẩm sen. Ngoài những sản phẩm du lịch từ sen, Đồng Tháp còn có mô hình du lịch xanh ở làng hoa Sa Đéc. Vừa qua, TP. Cao Lãnh đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng con đường hoa Sa Nhiên - Ca Dao, tạo điều kiện cho du khách thuận lợi khi đến tham quan các vùng trồng hoa.

Hiện nay, tại TP. Cao Lãnh, sen được trồng tại các tuyến đường chính của thành phố là Lý Thường Kiệt và Phạm Hữu Lầu, với kinh phí trên 500 triệu đồng. Thành phố cũng trang trí các cụm tiểu cảnh về hoa sen, biểu tượng hoa sen và "bé sen" (một biểu tượng vui của du lịch Đồng Tháp) để chào đón du khách đến với thủ phủ đất sen hồng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Đồng Tháp cũng rà soát danh mục đầu tư các dự án về lưu trú và nhà hàng tại các khu, điểm du lịch. Tập trung cải tạo các nhà vệ sinh công cộng, chấn chỉnh hoạt động giao thông đưa đón khách… nhằm đưa du lịch Đồng Tháp phát triển tương xứng với tiềm năng.

Đồng Tháp đầu tư phát triển du lịch sinh thái
Đồng Tháp là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có Vườn quốc gia Tràm Chim nổi tiếng với loài sếu đầu đỏ quý hiếm, cùng hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư