Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đồng Tháp sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp
Trúc Giang - 10/05/2022 08:35
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chỉ số PCI của tỉnh liên tục nhiều năm đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước tạo ra hình ảnh tích cực trong mắt các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với các nhà đầu tư 	Ảnh: Văn Khương
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với các nhà đầu tư      Ảnh: Văn Khương

Khẳng định đẳng cấp

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố mới đây cho thấy, tỉnh Đồng Tháp xếp thứ 3 cả nước và tiếp tục dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là năm thứ 14 liên tiếp, Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 và năm thứ 8 liên tiếp nằm trong nhóm 3 tỉnh/thành phố “Có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.

Tính từ năm 2008 đến năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đã có 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Được biết đến với sáng kiến “cà phê doanh nhân” bắt đầu từ năm 2016, Đồng Tháp hiện đã mở rộng thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và nâng cao năng lực quản trị của các hộ kinh doanh. Tỉnh cũng khuyến khích thành lập các hội quán và các hợp tác xã nhằm tăng cường kết nối giữa những cá nhân và cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó cùng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau lớn mạnh hơn trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là một hình thức hiệu quả giúp kết nối chuỗi giá trị ở địa phương, đặc biệt là các chuỗi giá trị về nông sản.

Ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ: “Vui mừng với kết quả đó, trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có đánh giá khách quan, công tâm và tinh thần trách nhiệm cao đối với môi trường kinh doanh tại Đồng Tháp. Đó chính là khích lệ to lớn cho cả bộ máy chính quyền tỉnh về sự kiên trì vượt qua những rào cản, tiếp tục thay đổi trong lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức về vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với tăng trưởng của địa phương”.

Ông Nghĩa cho rằng, Chỉ số PCI của tỉnh liên tục nhiều năm đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu đã tạo ra một hiệu ứng tốt, một hình ảnh Đồng Tháp tích cực cho tất cả những ai đang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đồng thời, khẳng định chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp” mà lãnh đạo tỉnh đã theo đuổi và cam kết trong suốt chặng đường phát triển vừa qua.

Mặc dù môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh luôn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, song không tự mãn với kết quả hiện có, người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nhìn vào kết quả PCI 2021 cho thấy, dư địa cải thiện của tỉnh vẫn còn khá nhiều, nhất là đối với các chỉ số thành phần sụt giảm điểm so với PCI năm 2020 như: chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự... Điều này chứng tỏ nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh vẫn chưa đáp ứng hết được mong muốn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải phấn đấu hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng để chuyển hóa những thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển; tiếp tục lan tỏa tinh thần “Đồng hành với doanh nghiệp”.

“Chúng tôi xin cam kết sẽ luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trên bước đường phát triển sự nghiệp của quý vị tại quê hương Đồng Tháp và cũng mong rằng, quý doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục hợp tác, gắn bó, sẻ chia với chính quyền vì một Đồng Tháp ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp và thịnh vượng”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tái khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 3 từ phải sang) chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Sokimex (Campuchia) và  NovaGroup
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 3 từ phải sang) chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Sokimex (Campuchia) và NovaGroup

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022 (tính đến ngày 15/4/2022), trên địa bàn tỉnh có 52 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/ chấp thuận nhà đầu tư/ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.460 tỷ đồng, trong đó, 15 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư là 1.197 tỷ đồng.

Riêng 4 tháng đầu năm nay (tính từ đầu năm đến ngày 14/4/2022), tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận mới 29 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 320 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 là 6 dự án, với tổng vốn đầu tư 91 tỷ đồng).

Phát huy lợi thế thương hiệu PCI

Hình ảnh về một địa phương năng động, sáng tạo, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và sự thân thiện của chính quyền đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của Đồng Tháp, đây được xem là lợi thế lớn của tỉnh trong thu hút đầu tư. Trong thời gian gần đây, Đồng Tháp đã tiếp đón nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư tới khảo sát, nghiên cứu, ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác, đăng ký đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cụ thể, NovaGroup đã xin chủ trương nghiên cứu đầu tư hàng loạt dự án lớn tại Đồng Tháp. Cuối tháng 1/2022, NovaGroup đã có Công văn gửi UBND tỉnh xin chủ trương nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và tham gia đấu giá giai đoạn I, bao gồm Dự án Khu đô thị thông minh Rồng Xanh 115 ha, Dự án Khu du lịch làng nghề Bùi Thanh Thủy 127 ha, Dự án Las Vegas Island 250 ha (khu vực thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp), Dự án Mekong Smart City ở TP. Hồng Ngự. Đây là các dự án nằm trong số 11 dự án thành phần thuộc đại dự án Thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City) do Công ty cổ phần NovaGroup xin chủ trương nghiên cứu đầu tư nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang.

Theo đó, đại dự án Mekong Smart City với 11 dự án thành phần gồm: 3 dự án triển khai thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 là: Khu đô thị thông minh Rồng Xanh; Khu du lịch làng nghề Bùi Thanh Thủy; nhà máy chế biến trái cây. Các dự án đề xuất nghiên cứu, lập quy hoạch thực hiện gồm: Las Vegas Island; Cảng biển Mekong (Thường Phước); Khu hậu cần Logistics Mekong; Khu kinh tế đặc biệt, quy mô dự kiến 5.300 ha; Làng Mekong, quy mô dự kiến 450 ha; Khu công nghiệp Mekong, quy mô dự kiến 1.000 ha; Khu nông nghiệp công nghệ cao, quy mô dự kiến 950 ha; Sân bay dân dụng và hàng hóa, Khu công nghệ AI, quy mô dự kiến 2.000 ha.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt cũng đã đề xuất dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phát Đạt - Đồng Tháp, quy mô diện tích 500 ha (sau khi lấp đầy 60% sẽ mở rộng thêm 500 ha); Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phát Đạt - Đồng Tháp II, quy mô 300 ha (sau khi lấp đầy 60% sẽ mở rộng thêm 600 ha) và Khu công nghiệp cảng Cao Lãnh, quy mô 100 ha.

Ngoài ra, tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Tập đoàn T&T thuộc các lĩnh vực: đầu tư bất động sản, đô thị, tài chính, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ và logistics. Tập đoàn TH cũng mong muốn hợp tác đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng Tháp. Tập đoàn Everland thì nghiên cứu, khảo sát và đầu tư Dự án Tổ hợp đô thị - du lịch Flower World Sa Đéc. Tập đoàn Đầu tư tài chính và Xây dựng Đại Dương (OCEAN Group) đề xuất đầu tư Dự án Trung tâm logistics và mở rộng chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp với quy mô 8,3 ha, nhằm phục vụ nhu cầu giao nhận và lưu kho hàng nông sản; phát triển dịch vụ bảo quản, tiêu thụ sản phẩm rau quả...

Nhằm tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI để quê hương “Đất sen hồng” luôn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tỉnh Đồng Tháp tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực, khắc phục các điểm yếu. Xây dựng bộ máy chính quyền năng động, thân thiện, chú trọng các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính. Thực hiện tốt chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tạo động lực nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Hỗ trợ hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp kết nối tiêu thụ, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới quy trình sản xuất.

Với mục tiêu góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, giúp người dân và doanh nghiệp tương tác nhanh với lãnh đạo tỉnh, qua đó phản ánh, kiến nghị trực tiếp về công tác quản lý, mới đây, UBND tỉnh đã khai trương Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp đang đẩy nhanh tiến độ thành lập Trung tâm Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, phát triển những dự án khởi nghiệp có tiềm năng, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị của hộ kinh doanh, tạo động lực phát triển doanh nghiệp từ nguồn lực nội tại của địa phương.n

Hải Dương bứt tốc ngoạn mục trong Bảng xếp hạng PCI năm 2021
Chỉ trong 1 năm, tỉnh Hải Dương từ vị trí thứ 47, tăng tốc 34 bậc, vươn lên vị trí số 13 trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư