Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đồng Tháp vì sự thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp
Trúc Giang - 26/06/2022 18:16
 
UBND tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn nữa.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa gặp gỡ với doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Sa Đéc 	ảnh: văn khương
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa gặp gỡ với doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Sa Đéc      Ảnh: Văn Khương

Kinh tế phục hồi

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong 6 tháng đầu năm nay có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ với nhiều tín hiệu khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt 3,47%.

Về nông nghiệp, tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, tiêu thụ được đảm bảo. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 21.494 tỷ đồng, tăng 4,74% so cùng kỳ (tương ứng tăng 973 tỷ đồng) và đạt 45,43% kế hoạch năm.

Sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được khôi phục. Hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại, thích ứng với tình hình mới, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,71% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt 36.000 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2021(đạt 54% kế hoạch).

Hoạt động thương mại - dịch vụ đến nay gần như được phục hồi hoàn toàn, 100% chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoạt động như bình thường. Hoạt động kinh doanh, mua bán và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trở lại. Tỉnh đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, nhờ vậy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 55.670 tỷ đồng, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 53,5% kế hoạch).

Tinh luôn quyết tâm cải thiện và nâng cao kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không vì mục tiêu thứ hạng mà hướng đến sự hài lòng, sự thành công của doanh nghiệp khi đầu tư tại địa phương, cũng như sự phát triển của quê hương Đất Sen hồng.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh là hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 (không tính tạm nhập tái xuất) đạt 785 triệu USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như thủy sản chế biến, gạo, bánh phồng tôm, sản phẩm may mặc... đều có kim ngạch tăng cao, Tình hình Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, các doanh nghiệp đã tận dụng được những ưu thế, ưu đãi của các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết. Dự kiến với tình hình như hiện nay, xuất khẩu của tỉnh sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm 2022.

Thêm một tín hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế rõ nét của tỉnh thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới, cũng như số vốn đăng ký tăng cao; doanh nghiệp tái hoạt động tăng, doanh nghiệp giải thể giảm với cùng kỳnăm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 390 doanh nghiệp thành lập mới, (tăng 28,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng (quy mô vốn tăng 465 tỷ đồng so với cùng kỳ). Trong 6 tháng đầu năm có 70 doanh nghiệp giải thể (giảm 52 doanh nghiệp so với cùng kỳ); số doanh nghiệp tái hoạt động là 130 doanh nghiệp (tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ), nâng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.700 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đón tiếp nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khảo sát và đăng ký đầu tư như: Công ty CP NovaGroup; Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt, Tập đoàn Masterise, Tập đoàn Everland…

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ

Song song với việc khôi phục phát triển sản xuất, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; quy hoạch và phát triển hệ thống các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế địa phương.

Đối với các công trình giao thông trọng điểm, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Quy chế phối hợp và Kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh sẽ từng bước đầu tư những công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối giữa các vùng nội tỉnh với các tỉnh lân cận; các tuyến kết nối với đường trục, các tuyến giao thông trọng điểm phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, hành khách được thuận lợi phục vụ phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, kết nối các đô thị, khu, cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu lớn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, du lịch và bảo đảm an ninh- quốc phòng; tiến đến phát triển một hệ thống giao thông vận tải của tỉnh đồng bộ và liên hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Điển hình như các công trình: Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (giai đoạn 3); Tuyến tránh TP. Cao Lãnh; Xây dựng tuyến Đường tỉnh 857 (đoạn Quốc lộ 30- Đường tỉnh 845); Bến phà An Phong- Tân Bình và đường kết nối; Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp...

Về phát triển các khu, cụm công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động gồm: Sa Đéc, Sông Hậu, Trần Quốc Toản và Tân Kiều (huyện Tháp Mười) đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến trong năm 2022 sẽ có quỹ đất công nghiệp để mời gọi đầu tư. Tỷ lệ lắp đầy trung bình của 3 KCN đang hoạt động đạt 99,26%. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu mời gọi đầu tư.

Bên cạnh các KCN, đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 547,7 ha. Trong đó, có 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 404,75 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 79%.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai hoàn thiện hạ tầng KCN Tân Kiều; thực hiện quy trình tổ chức lấy ý kiến về đồ án quy hoạch chi tiết KCN Ba Sao; đang hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án KCN Trần Quốc Toản mở rộng; phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Quảng Khánh giai đoạn I và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cụm công nghiệp giai đoạn II.

Vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh luôn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, không tự mãn với kết quả đạt được, trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn hơn nữa. Qua đó, tiếp tục khẳng định cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”; vì “Sự lớn mạnh và sự thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp”.

Cụ thể, tỉnh đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quá trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo quy định; kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định, không còn phù hợp, gây phiền hà, làm lãng phí thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp.

UBND Tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh công khai kịp thời, đầy đủ, rõ ràng các quy định (quy trình, mẫu biểu...), mức phí, lệ phí và thời gian giải quyết các loại thủ tục trên bảng niêm yết điện tử tại Trung tâm, Cổng Dịch vụ công, Cổng Thông tin điện tử của Tỉnh, Trang thông tin điện tử của Trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về quy trình, với nhiều hình thức như: video clip hướng dẫn; các tin bài, hướng dẫn trên fanpage Facebook của Trung tâm; Tờ rơi hướng dẫn tra cứu tiến độ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính… đảm bảo người dân, doanh nghiệp nắm rõ thành phần hồ sơ và quy trình thủ tục liên quan.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai các mô hình cải cách hành chính hiệu quả với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hoạt động phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, sửa đổi quy trình, thủ tục đầu tư trên địa bàn…, nhằm từng bước cải thiện chất lượng điều hành, hỗ trợ thiết thực cho khu vực kinh tế phát triển.  Điển hình như các mô hình: “Điểm hẹn doanh nhân”; mô hình “Nụ cười công sở”; mô hình “Hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; “Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022”...

Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương Đồng Tháp cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức mở, như: Mô hình “Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp”, qua các kỳ sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt Hội quán, họp mặt doanh nghiệp, doanh nhân… Chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo phương thức mới, chủ động tiếp xúc và tăng cường tương tác để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh kênh kết nối trực tiếp tại địa điểm “Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp”, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tương tác cùng doanh nghiệp tại các khu công nghiệp để lắng nghe, chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng luôn được tỉnh Đồng Tháp chú trọng thực hiện thông qua việc xây dựng các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, công nghệ, tiếp cận tín dụng... bước đầu đạt được những kết quan trọng. Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua tương đối đầy đủ, phù hợp với tiềm lực của tỉnh đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trên địa bàn.

Thành lập Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp
Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, trực thuộc Sở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư