Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Đồng thuận nâng mức bội chi
Mạnh Bôn - 31/10/2013 14:33
 
Có lẽ do cảm nhận được hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi, nền kinh tế không chỉ bước ra khỏi suy thoái mà xuất hiện nhiều tín hiệu phục hồi, nên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào sáng 31/10, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều nhất trí việc tăng mức bội chi ngân sách năm 2014 và phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. >>> Không ai muốn tăng bội chi, nhưng không tăng không được >>> Quốc lộ 1A: 200 lễ khởi công, động thổ mới đủ! >>> Bán Vinamilk để ngân sách có tiền tiêu? >>> Cần thiết nâng trần bội chi, phát hành bổ sung TPCP

Cũng như các đại biểu phát biểu sau, là người tiên phong, Đại biểu Lê Thị Yến khẳng định đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013.

“Tôi cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn. Lạm phát tiếp tục được kìm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất tín dụng giảm, cùng nhiều biện pháp miễn, giảm, gia hạn thuế… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng để phục hồi nền kinh tế”, bà Yến đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ đạt được trong năm 2013.

Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 29,1% GDP, mặc dù cao hơn năm 2012 là 28,5% GDP, nhưng thấp xa so với giai đoạn 2003 - 2011 (34% - 46,5% GDP) không khỏi khiến bà Yến lo ngại khả năng tăng trưởng kinh tế vào những năm tiếp theo do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào tổng mức đầu tư.

Chính vì vậy, cũng như đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Huỳnh Nghĩa, Phạm Quang Khải… đại biểu Lê Thị Yến ủng hộ đề xuất nâng trần bội chi năm 2013 và 2014 lên 5,3% GDP và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) để đầu tư cho một số dự án cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2014-2016.

Giải thích về việc đồng tình với đề xuất nâng bội chi và phát hành bổ sung TPCP, đại biểu Nguyễn Cao Sơn cho rằng, nguyên nhân cơ bản của việc tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đặt ra là do cắt giảm đầu tư công quá mạnh khiến hoạt động của các thành phần kinh tế khác gặp khó khăn.

Theo ông Sơn, dường như vài năm trở lại đây, Chính phủ quá thiên về mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô nên đã cắt giảm đầu tư công một cách quá mức khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp khó khăn. Vì vậy, đề xuất nâng trần bội chi và phát hành TPCP ở mức hợp lý của Chính phủ vừa đúng, vừa trúng.

“Song song với giải pháp này, để phục hồi kinh tế, doanh nghiệp rất cần nhiều giải pháp mạnh mẽ trong gia hạn thuế, giảm thuế, miễn thuế, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất… Nếu không thì ngay cả những doanh nghiệp có quy mô vừa đã vượt qua khó khăn 2-3 năm trở lại đây cũng khó lòng mà đứng vững”, ông Sơn nói thêm.

“Nền kinh tế đang phục hồi nhưng tăng trưởng dưới tiềm năng”, ông Huỳnh Nghĩa phát biểu.

Muốn khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế, bên cạnh nới trần bội chi và phát hành bổ sung TPCP cần phải nghiên cứu bỏ trần lãi suất, thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá thực và tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố; đánh giá lại khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay xem có thể đạt được 12% hay không, trên cơ sở đó xây dựng tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2014 lên 14-16% so với năm 2013.

Ông Nghĩa cho rằng, các chính sách nới lỏng tài khóa và tín dụng kể trên sẽ tác động trực tiếp tới chỉ số lạm phát. “Vì vậy, phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chống đầu tư dàn trải, kiên quyết không đầu tư vào các dự án, công trình hiệu quả kém”.

Dẫn chứng số liệu trong Báo cáo về quy hoạch thủy điện của Bộ Công thương, ông Phạm Quang Khải cho rằng, trong đầu tư công nói riêng, đầu tư toàn xã hội nói chung vẫn còn tình trạng lãng phí, dàn trải, kém hiệu quả dẫn tới lạm phát tăng quá cao suốt nhiều năm liền (từ 2007 đến 2011).

“Phải thật nghiêm túc trong đầu tư công, nếu không lạm phát sẽ quay trở lại - ông Khải cảnh báo - trong một vài năm trước mắt chúng ta chấp nhận tăng bội chi, phát hành bổ sung TPCP, nhưng xa hơn dứt khoát phải giảm bội chi về mức 4,5% GDP và giảm dần khối lượng phát hành TPCP”.

Không có cái nhìn lạc quan như nhiều đại biểu khác, Đại biểu Trương Văn Vở, Hà Sỹ Đồng, Nguyễn Thái Học… lại cho rằng: “Nền kinh tế bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải chỉ rõ trách nhiệm của bộ ngành, địa phương”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư