Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Dòng vốn FDI từ Đức vào Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 12,75 tỷ USD
T.T - 17/02/2024 21:19
 
Chỉ riêng từ năm 2021 đến năm 2023, các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Trung Quốc nhiều bằng thời kỳ 2015 - 2020.
Đồng euro. Ảnh: AFP/TTXVN
Đồng euro. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức tại Köln (IW), dựa trên số liệu của Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), cho thấy đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đã tăng hơn 4% lên mức kỷ lục 11,9 tỷ euro (khoảng 12,75 tỷ USD) trong năm 2023, bất chấp khuyến cáo của chính phủ nước này về đa dạng hóa điểm đến đầu tư hơn nữa. 

Chuyên gia Jürgen Matthes của IW cho hay: “Đây là mức cao mới của đầu tư Đức vào Trung Quốc sau khi đã ở mức cao kỷ lục trong hai năm trước đó”. Chỉ riêng từ năm 2021 đến năm 2023, các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Trung Quốc nhiều bằng thời kỳ 2015-2020. 

Trong khi đó, dòng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trong năm ngoái cũng không giảm, mà ngược lại tỷ trọng FDI của Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Đức tăng lên 10,3% và đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, con số này vượt ngưỡng 10%. 

Mặc dù đầu tư trực tiếp của Đức ra nước ngoài đã giảm từ gần 170 tỷ euro xuống còn 116 tỷ euro nhưng riêng đầu tư vào Trung Quốc vẫn ngày càng tăng. 

Chính phủ liên bang Đức không khuyến khích các doanh nghiệp nước này "bỏ trứng vào một giỏ" Trung Quốc, mà nên đa dạng hóa các điểm đến đầu tư rộng rãi hơn để giảm thiểu rủi ro, trong bối cảnh nguy cơ xảy ra xung đột với Đài Loan (Trung Quốc) có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc, tương tự như chống lại Nga do xung đột tại Ukraine, và có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng. 

Chuyên gia Matthes, người đứng đầu bộ phận chính sách kinh tế quốc tế, thị trường tài chínhbất động sản tại IW, cho rằng các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc nhìn chung là dựa vào lợi nhuận mà các công ty Đức tạo ra ở đó, chứ trên thực tế đã có xu hướng rút vốn khỏi Trung Quốc trong bốn năm qua. 
Một nghiên cứu trước đây của IW có giá trị đến năm 2022 cho thấy trong những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư vào Trung Quốc đã giảm đi hơn là tăng, nếu chỉ tính dòng tiền từ Đức. 
Số liệu của Bundesbank hiện chưa đầy đủ để IW phân tích sâu sắc hơn, nhưng có thể giả định rằng “vẫn có sự khác biệt giữa một số ít doanh nghiệp lớn và đại bộ phận các công ty cỡ vừa của Đức”, ông Matthes cho hay. Một số nghiên cứu và bằng chứng khác ủng hộ giả thuyết cho rằng các công ty cỡ trung của Đức dường như đang giảm tham gia vào Trung Quốc hoặc thậm chí rút lui hoàn toàn.
Trung Quốc gỡ vốn cho doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn
Hơn 8.200 dự án nhà ở được cấp vốn vay phát triển theo cơ chế "danh sách trắng", một nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm bơm thanh khoản vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư