Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dự án FDI mảng phụ liệu đồng loạt đi vào hoạt động: Hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may
Thế Hải - 04/10/2018 17:29
 
Các dự án FDI vào Việt Nam trong mảng phụ liệu dệt may đồng loạt đi vào hoạt động, góp phần làm tăng năng lực sản xuất và hoàn thiện chuỗi cung ứng cho ngành.

Hoàn thiện chuỗi cung ứng

Trong nửa cuối tháng 9/2018, đã có 2 dự án đầu tư 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành phụ liệu may mặc (gồm nhà máy sản xuất sợi lốp và nhà máy khóa tiện dụng) với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, đã được khánh thành, bổ sung năng lực, hoàn thiện chuỗi cung ứng cho ngành dệt may.

.
Vốn FDI vào các dự án phụ liệu đang tiếp tục được đầu tư xây dựng.

Trong đó, Tập đoàn khóa tiện dụng toàn cầu Velcro đã chính thức khánh thành nhà máy tại Bình Dương, cung cấp các loại khóa phục vụ ngành dệt may trong nước, đồng thời nhắm tới xuất khẩu sang nhiều thị trường mà Velcro đang có khách hàng lớn.

Theo đánh giá của Velcro, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có quy mô xuất khẩu ngày càng lớn, dự kiến đạt 35 tỷ USD vào cuối năm nay. Trong khi đó, vẫn còn những “khoảng trống” trong chuỗi cung ứng, nhất là khâu phụ liệu…, nên đó là cơ hội cho các nhà sản xuất như Velcro đầu tư phát triển kinh doanh.

Ông Bryan Whitfield, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Velcro cho biết, bằng những kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều thập kỷ, Velcro cam kết đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc Việt Nam.

Trước thời điểm Velcro khánh thành nhà máy mới tại Bình Dương chưa đầy 1 tuần lễ, Công ty TNHH Công nghiệp Konlon Bình Dương, thuộc Tập đoàn Konlon Industries Inc của Hàn Quốc, cũng đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chuyên sản xuất sợi lốp polyester với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương).

Lãnh đạo Tập đoàn Konlon tiết lộ, Nhà máy Konlon Bình Dương là mô hình nhà máy thông minh ứng dụng công nghệ cao, có năng lực sản xuất giai đoạn I là 1.400 tấn sợi lốp polyester/năm.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng của năm 2018, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày nước ta đạt 3,8 tỷ USD, tăng 4,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng nhập khẩu phụ liệu từ thị trường Trung Quốc chiếm tới 1,4 tỷ USD. Sự thiếu hụt về nguồn cung tại chỗ các loại phụ liệu (chỉ, cúc, khóa kéo, mex dính, xơ sợi…) là nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu gia tăng theo giá trị xuất khẩu ngành hàng này.

Trong bối cảnh đó, vốn FDI vào các dự án phụ liệu đang tiếp tục được đầu tư xây dựng. Theo kế hoạch, sang năm 2019, ngành phụ liệu sẽ tiếp tục được bổ sung nguồn cung. Đó là Nhà máy sản xuất chỉ thêu của Tập đoàn Amann với công suất 2.300 tấn/năm, trong đó, giai đoạn I có quy mô công suất 1.000 tấn chỉ/năm mới được khởi công trong tháng 8/2018. Nhà máy này dự kiến bắt đầu đi vào sản xuất trong tháng 6/2019.

Các dự án FDI đầu tư vào sản xuất phụ liệu thời gian qua đã góp phần tạo ra giá trị xuất khẩu 1,208 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may trong năm 2017. Đóng góp này trong thời gian tới sẽ tăng lên đáng kể, khi 2 dự án mới của 2 nhà đầu tư kể trên đi vào hoạt động.

Ông chủ lớn vẫn chọn Việt Nam

Ông Bryan Whitfield, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Velcro cho biết, có nhiều lựa chọn để đặt nhà máy, nhưng cuối cùng, Velcro đã chọn Việt Nam. Lý do là, môi trường kinh doanh tại Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư; ngành sản xuất, xuất khẩu Việt Nam ngày càng có quy mô lớn hơn; khả năng tận dụng nhiều cơ hội từ việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

“So với các nước khác, Việt Nam đầy tiềm năng để mở rộng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển sản phẩm. Velcro định hướng tập trung vào vận hành, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng, đồng thời phát triển trang online để đẩy mạnh phát triển thương hiệu.

Với lợi thế nguồn lao động dồi dào, kinh tế tăng trưởng năng động, lãnh đạo Công ty tin tưởng rằng, Velcro sẽ thành công tại thị trường Việt Nam”, ông Bryan Whitfield nhấn mạnh.

Chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy sản xuất, chắc chắn, các ông chủ lớn sẽ không thể ngồi im với năng lực sản xuất khiêm tốn.

Chẳng hạn, Tập đoàn Konlon thông tin, vốn đầu tư giai đoạn I của Dự án từ năm 2017 đến năm 2018 là 220 triệu USD, giai đoạn II (2018 - 2026) là 600 triệu USD và giai đoạn III dự kiến lên đến  1 tỷ USD.

Trong kế hoạch của Tập đoàn Velcro, trong 12 tháng tới, mục tiêu của Velcro là sản xuất, chuyển đổi băng dán dệt, băng dán nhựa và băng dán đan.

Hiện tại, kho hàng lưu trữ các sản phẩm có quy mô và sức chứa theo tiêu chuẩn châu Âu. Việc mở rộng cơ sở tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Velcro thực hiện cam kết phục vụ khách hàng trong các phân khúc thị trường ở Đông Nam Á.

Thời gian qua, Velcro đã tăng cường phát triển sản xuất trên toàn cầu, mang đến những sản phẩm sáng tạo, đột phá. Tập đoàn có trụ sở chính tại Mỹ và nhiều nước như Mexico, Canada, Brazil, Uruguay, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ, Phần Lan, Hà Lan, Anh, Australia...

Bài học nào trong thu hút FDI của Việt Nam?
30 năm thu hút FDI, Việt Nam đã giành được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế cũng vẫn còn. Vậy đâu là những bài học có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư