Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tăng cường liên kết để nâng chất dòng vốn FDI
Hà Nguyễn - 04/10/2018 19:15
 
Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một điều quan trọng luôn được nhấn mạnh là làm sao tạo sự liên kết giữa khu vực FDI và trong nước, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, qua đó nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI.

Những điểm sáng hiếm hoi

Công ty TNHH 4P, Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện Postef, Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần, hay Công ty cổ phần Cơ khí điện tử Phú Thọ Hòa… là những cái tên mới nhất nhận được sự tư vấn cải tiến sản xuất của các chuyên gia đến từ Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Đây là một trong những hoạt động mà Samsung đã nỗ lực thực hiện trong những năm qua nhằm tìm kiếm và phát triển hệ thống các nhà cung ứng linh kiện cho mình.

.
.

Nhiều trong số các doanh nghiệp (DN) nhận được sự hỗ trợ trên đều đã trở thành các nhà sản xuất vệ tinh cho Samsung, ban đầu có thể là cấp 3, nhưng sau tăng lên cấp 2 và cả cấp 1. “Số lượng các DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung đã gia tăng mạnh mẽ trong thời gian qua. Từ 4 DN vào năm 2014, hiện đã có 35 DN Việt Nam là nhà cung cấp cấp 1 cho chúng tôi. Dự kiến vào năm 2020, con số sẽ là 50 DN”, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nói.

Không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, Samsung còn là một trong các nhà đầu tư nước ngoài tích cực nhất trong phát triển hệ thống nhà cung cấp cho chuỗi giá trị toàn cầu của mình. Samsung thường xuyên tổ chức hội thảo, triển lãm công nghiệp hỗ trợ để tìm kiếm và kết nối các DN nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình; đồng thời tổ chức các chương trình tư vấn cải tiến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm cho DN Việt. Thậm chí mới đây, Samsung còn hỗ trợ đào tạo các chuyên gia tư vấn người Việt Nam để họ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các DN Việt Nam.

Thực ra, không chỉ Samsung, mà thời gian qua, một số DN FDI cũng khá tích cực trong phát triển các nhà cung cấp vệ tinh. Ví như các DN sản xuất ô tô, xe máy như Honda, Toyota.., hay các DN cần sử dụng các nông sản Việt Nam để chế biến.

PepsiCo chẳng hạn, đã hợp tác với những nông dân ở Lâm Đồng để mở rộng diện tích canh tác khoai tây từ 55 ha lên trên 450 ha, đồng thời hỗ trợ họ về kỹ thuật canh tác, giúp tăng sản lượng khoai tây gấp gần 3 lần so với năng suất trung bình. Năm 2017, sản lượng khoai tây của PepsiCo tại Việt Nam đạt hơn 5.000 tấn.

“Hợp tác nông nghiệp giữa PepsiCo Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững”, ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Điều hành PepsiCo Foods đã cho biết như vậy.

Trong khi đó, Toyota Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm, lựa chọn đối tác mới trong nước làm nhà cung cấp, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất về bí quyết sản xuất, chuyển giao phương pháp quản lý 5S nổi tiếng của người Nhật. “Với cách giúp đỡ này, nhà cung cấp sẽ có thể tận dụng tối đa nhà xưởng và con người hiện có mà vẫn tăng được hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Qua đó tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh và tận dụng cơ hội kinh doanh tốt hơn”, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam nói và cho biết, cách hỗ trợ này đã có những kết quả bước đầu.

Chẳng hạn, Nhà máy Nhựa Hà Nội, sau khi nhận sự hỗ trợ từ Toyota, đã “thay đổi cả chất và lượng” trong sản xuất và gia tăng linh kiện cung ứng cho Toyota Việt Nam. Một ví dụ cụ thể, với dòng xe Vios thế hệ mới, số lượng phụ tùng cung cấp bởi Nhà máy Nhựa Hà Nội đã tăng từ 3 lên 29 phụ tùng.

Những ví dụ trên cho thấy, mối liên kết giữa DN FDI và DN Việt Nam không hề lỏng lẻo và đúng là DN Việt đang từng bước len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DN FDI. Chỉ có điều, đây mới là những điểm sáng hiếm hoi. Bởi thế, tổng kết 30 năm thu hút FDI, một trong những hạn chế lớn nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, đó chính là tính liên kết và hiệu ứng lan tỏa, cũng như chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN Việt còn thiếu và yếu.

Những cơ hội bị bỏ lỡ

Thực ra, chuyện liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước còn lỏng lẻo, dẫn tới chậm chuyển giao công nghệ, chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu của nhà đầu tư nước ngoài, là điều được nhắc tới lâu nay, chứ không phải cho đến bây giờ, khi tổng kết 30 năm thu hút FDI mới được nói tới. Tuy nhiên, khi xây dựng Đề án Tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng vốn FDI và chủ động chuyển hướng chính sách giai đoạn tới, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã một lần nữa nhấn mạnh điều này.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, liên kết và hiệu ứng lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực trong nước là hạn chế lớn nhất của vốn FDI hiện nay. Bằng chứng là, dòng vốn FDI vào khu vực chế tác chủ yếu tập trung vào một số công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động như gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe máy) và chế biến thực phẩm…, với phần lớn nguyên vật liệu và dịch vụ đi kèm đều phải nhập khẩu.

Hơn nữa, dù khu vực FDI giữ vai trò chủ chốt với tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu, nhưng Việt Nam vẫn đang ở nấc thang khá thấp của chuỗi giá trị toàn cầu; tỷ lệ nội địa hóa trong một số sản phẩm công nghiệp còn thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao, làm cho hiệu quả kinh  tế - xã hội của hợp tác FDI chưa được như kỳ vọng.

Còn nếu nói về chuyển giao công nghệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nói rằng “chưa đạt kỳ vọng”. “Sự lan tỏa công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Một nguyên nhân cơ bản được chỉ ra khiến không chỉ chuyện chuyển giao công nghệ lẫn liên kết nội - ngoại còn kém, đó là sự hạn chế về năng lực của DN trong nước. “Tôi đã đi nhiều hội thảo và thấy, nhiều DN cứ đòi hỏi DN FDI phải chủ động chuyển giao công nghệ, phải mua hàng hóa thì mới bỏ tiền ra đầu tư… Hiếm có DN FDI nào làm được điều đó. Nếu DN Việt cứ thụ động như vậy, thì dù là 20 hay 30 năm nữa, chúng ta cũng không tham gia được vào chuỗi sản xuất của các DN FDI, cũng không hy vọng họ chuyển giao công nghệ”, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright) nói.

Ông Thành kể, khi ông sang Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, đều thấy các DN tự tìm mua công nghệ, mày mò, sản xuất và chứng tỏ sản phẩm có chất lượng tốt nhất để cung ứng cho DN FDI. “Lỗi không phải tại DN FDI. DN Việt phải tự lớn mạnh lên, đủ sức trở thành các đối tác của DN FDI”, ông Thành nói.

Ông cũng nhắc đến những cơ hội mà Việt Nam đã bỏ lỡ, để DN Việt lớn lên. Đó là vào những năm 1998 - 1999, cũng như năm 2007, khi Việt Nam bắt đầu thúc đẩy cổ phần hóa DN nhà nước, phát triển khu vực tư nhân và bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Lẽ ra, các DN Việt phải biết tận dụng các cơ hội này để vượt lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành đối tác của các DN FDI, nhưng cuối cùng đã không làm được.

Và định hướng tương lai

Việt Hưng là một trong những công ty khá nổi tiếng ở Việt Nam. Rất nhanh chân, ngay sau khi Samsung đầu tư vào Việt Nam, Công ty đã “lân la” tìm hiểu, chủ động kết nối và trở thành nhà cung cấp cho Samsung ngay từ tháng 4/2009. Nhờ vậy, doanh thu của Việt Hưng nhanh chóng tăng lên và đã trở thành một trong những doanh nghiệp bao bì lớn ở Việt Nam.

Không chỉ không ngừng mở rộng nhà xưởng hiện tại ở Hưng Yên, tháng 4/2015, Việt Hưng còn xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bao bì ở TP.HCM, mà theo như lời của ông Hoàng Gia Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty, là để “đón đầu cơ hội” do tổ hợp nhà máy thứ ba của Samsung - SEHC - mang lại.

Tương tự, năm 2001, đang từ vị trí Phó tổng giám đốc LG Việt Nam, ông Hoàng Minh Trí đã quyết định lập Công ty 4P và nhanh chóng trở thành nhà cung cấp cho một số doanh nghiệp như LG, Canon… Biết tận dụng cơ hội, biết chủ động kết nối và cải tiến sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Hưng rồi 4P từ lâu đã trở thành nhà cung cấp cho DN FDI. Câu chuyện của Việt Hưng, của 4P cho thấy, DN Việt hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của DN FDI.

Nhưng ngoài sự chủ động của DN, theo ông Nguyễn Xuân Thành, quan trọng là phải có cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước, đặc biệt trong phát triển khu vực tư nhân trong nước. Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam đang triển khai các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo… cũng là để hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam phát triển.

“Liên kết hay chuyển giao công nghệ là nhu cầu tự thân của DN, không thể ép nhau được. Một khi DN Việt lớn lên, tiệm cận trình độ của DN FDI thì tự khắc họ sẽ tìm cách liên kết với nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bên cạnh đó, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, cũng cần có những thay đổi trong chính sách thu hút và sử dụng vốn FDI trong giai đoạn tới. “Nên khuyến khích hình thức liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để có mối liên kết trực tiếp, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, cũng như nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN FDI”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Việc tập trung phát triển các cụm công nghiệp theo từng chuỗi giá trị, ví như dệt may, da giày, điện tử cũng được Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh như là một trong những giải pháp để ngày càng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị của DN FDI. Ngoài ra, điều chỉnh chính sách ưu đãi theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư, nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao tác động lan tỏa DN FDI và DN trong nước.

Khai mạc Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI
Sáng nay, 4/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư