Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Dự án nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Chậm phát điện một năm
Thanh Hương - 30/09/2022 08:24
 
Sau gần một năm dừng thi công, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được phép thi công trở lại với kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ triển khai và giải quyết những điểm nghẽn còn lại.
Thủy điện Hòa Bình mở rộng có thể tăng khả năng huy động điện giờ cao điểm của Nhà máy hiện hữu vào mùa khô

 Chậm phát điện

Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc dừng thi công Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng khoảng 10 tháng do sạt trượt hố móng dẫn đến chậm tiến độ một năm phát điện, tức là thay vì phát điện năm 2024, sẽ chuyển sang năm 2025. Trước đó, ngày 6/11/2021, đã xảy ra sạt trượt tại khu vực hố móng Nhà máy do ảnh hưởng của các đợt mưa kéo dài đầu tháng 10/2021. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã yêu cầu các nhà thầu tạm dừng thi công tất cả các hạng mục công trình, tập trung xử lý khối sạt.

Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ công tác xử lý khối sạt như đào đất đá, đổ bê tông tường chắn, khoan neo, phun vảy theo đúng hồ sơ thiết kế đã được Bộ Công thương chấp thuận. Kết quả quan trắc mái dốc hố móng trong thời gian mùa mưa vừa qua cho thấy, mái dốc hố móng đã ổn định, không có chuyển dịch bất thường, đảm bảo an toàn cho khu vực bãi quay xe đường lên Tượng đài Bác Hồ và các công trình hiện hữu lân cận.

Trên cơ sở Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án của EVN và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại Văn bản số 5659/VPCP ngày 30/8/2022, Bộ Công thương đã có Văn bản số 5338/BCT-ATMT ngày 8/9/2022 cho phép thi công trở lại Dự án. Hiện tại, công trường đã triển khai thi công trở lại toàn bộ các hạng mục.

Ngay sau khi được cho thi công trở lại, Ban Quản lý dự án điện 1 của EVN đã gửi văn bản tới Liên danh nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - CC47 - Lilama10 để triển khai các công tác phục vụ thi công trở lại công trình. Theo đó, các nhà thầu được đề nghị khẩn trương huy động đủ nhân lực, vật tư, thiết bị xe máy để triển khai thi công trở lại ngay tất cả các hạng mục công trình từ ngày 12/9/2022. Các công việc liên quan đến điều kiện để tổ chức thi công cũng được yêu cầu rà soát lại để đáp ứng quy định hiện hành trước ngày 16/9/2022.

Đồng thời, kiện toàn nhân sự của Ban Điều hành Liên danh nhà thầu và của từng nhà thầu thành viên để nâng cao chất lượng công tác điều hành thi công, kịp thời xử lý các vướng mắc trên công trường, đảm bảo công tác thi công trên công trường đúng tiến độ, chất lượng, tuân thủ đúng các quy định hợp đồng.

EVN cho hay, công tác thi công các hạng mục chính (kênh dẫn vào và cửa lấy nước, nhà máy thủy điện và kênh xả, hầm phụ và hầm dẫn nước, đê quây 5 cửa lấy nước và đê quây nhà máy…) đến tháng 10/2021 (trước khi dừng thi công) đã cơ bản bám sát tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, việc tạm dừng thi công sau khi xảy ra khối sạt gần 1 năm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của các hạng mục, tác động trực tiếp đến tiến độ phát điện, hoàn thành Dự án.

Bên cạnh một số vấn đề như giấy phép nổ mìn của nhà thầu thi công đào đá đã hết hạn, phải xin gia hạn để có cơ sở thi công đào đá các hạng mục công trình; hay phương án vận chuyển đất đá thải ra bãi thải dốc Cun chỉ được thỏa thuận trong thời hạn 1 năm, nên phải thoả thuận lại, cũng còn những thách thức khác. Đó là giá nhiên liệu, xi măng, sắt thép, thuốc nổ, cát, đá… và đơn giá nhân công đều tăng mạnh và chưa có xu hướng giảm, dẫn đến khó khăn trong công tác lập, quản lý chi phí và giải trình các cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, gói thầu thi công xây lắp chính của Dự án tổ chức và hoàn thành lựa chọn nhà thầu cuối năm 2020 là giai đoạn giá vật liệu chính và nhiên liệu ở mức thấp so với việc tăng giá mạnh và bất thường như trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay có nguy cơ dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Sớm giải quyết những tồn tại

Sau khi được phép thi công trở lại, EVN đã làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình về các công việc cần triển khai để quá trình thi công trở lại Dự án được thuận lợi. Đối với địa phương, đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng đối với phạm vi mặt bằng công trình chính (đã bàn giao 78,91/78,91ha).

Tuy nhiên, một số hạng mục khác vẫn còn tồn tại vướng mắc chưa được xử lý giải quyết dứt điểm để bàn giao đất, phục vụ thi công các công trình liên đới, như trên đường Lê Đại Hành còn 3 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường và không bàn giao mặt bằng do khiếu nại về nguồn gốc, đơn giá đất; một số hộ dân đã nhận tiền bồi thường, nhưng không bàn giao mặt bằng khiến chưa thể hoàn thành hạng mục thi công vỉa hè, hệ thống thoát nước và hệ thống điện chiếu sáng; một hộ dân chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để xác minh đất tại khu vực xưởng đóng tàu mới…

Hay phạm vi mặt bằng thu hồi bổ sung diện tích 33.367,7 m2 khu vực đồi Ông Tượng do UBND TP. Hòa Bình quản lý dù đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thu hồi bổ sung, song chưa được đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2022 theo quy định, hay xây dựng tuyến đường ống nước hoàn trả chưa có thiết kế, dự toán chi phí để bồi thường…

UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành 3 quyết định cho thuê đất và đã được Cục Thuế tỉnh ban hành 3 quyết định miễn giảm tiền thuê đất. Nhưng EVN chưa được ký hợp đồng thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường chưa hoàn thành nội dung này.

Vì vậy, EVN đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc giải phóng mặt bằng, phương án đổ thải… để tiếp tục thi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Đồng thời, cam kết hỗ trợ tỉnh đầu tư hạ tầng lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị EVN tiếp tục chỉ đạo xử lý khối sạt trượt khu vực hố móng dự án, chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành khối lượng công việc còn lại của đợt 3, giai đoạn I; thường xuyên kiểm tra, theo dõi camera lắp đặt, theo dõi diễn biến các vị trí quan trắc, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền khi có tình huống xảy ra, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo môi trường, vận hành, giảm thiểu ảnh hướng đối với các tuyến đường trong quá trình thi công dự án.

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Công trình được xây dựng nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa nước hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia; giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.

Công trình có 2 tổ máy với công suất lắp máy là 480 MW. Điện lượng trung bình hàng năm 479 triệu kWh/năm (mùa lũ) và tăng khả năng huy động điện năng giờ cao điểm của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu vào mùa khô khoảng 264,4 triệu kWh/năm.

EVN khẩn thiết đề nghị thi công trở lại Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng
EVN đã khẩn thiết đề nghị Bộ Công thương chấp thuận cho phép thi công trở lại công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sau khi việc xử...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư