Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Dự báo đúng để hoạch định chính sách đúng
Nguyên Đức - 03/11/2014 08:10
 
() Đánh giá đúng tình hình kinh tế thế giới và những tác động tới Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam hoạch định các kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XIII đang thảo luận để ra Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế 2015
Lựa chọn mục tiêu ưu tiên nào trong năm 2015?
Thách thức với mục tiêu GDP năm 2015 tăng 6,2%
Có thể ký kết TPP nửa đầu năm 2015
Lạm phát năm 2014 có thể thấp nhất trong vòng 10 năm

Với những ý nghĩa quan trọng đó, ngày mai (4/11/2014), Hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam - Thực trạng 2014 và triển vọng 2015” sẽ được tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, giới hoạch định chính sách cùng giới doanh nhân.

  Kinh tế 2015: Dự báo đúng để hoạch định chính sách đúng  
  Đánh giá đúng tình hình kinh tế thế giới và những tác động tới Việt Nam để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội   

Sự xuất hiện của các chuyên gia quốc tế đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bloomberg sẽ giúp dư luận có cái nhìn rõ nét hơn về kinh tế thế giới, khi nhiều dự báo gần đây cho thấy, kinh tế thế giới năm 2014 sẽ không tăng trưởng 3,7% như dự báo, mà có thể chỉ đạt 3,3%.

Thậm chí, theo dự báo mới nhất, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 3,8% trong năm 2015, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu phát hành tháng 4/2014.

 Những rủi ro của suy giảm kinh tế còn được cho là đã tăng, khi căng thẳng địa chính trị đang xảy ra ở một số quốc gia, gây gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu; những rủi ro về sự trị trệ ở các nước phát triển, hay lạm phát thấp ở Khu vực đồng Euro, cũng như rủi ro ở các thị trường tài chính toàn cầu… đang khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại. Sự hồi phục chậm ở các nền kinh tế Mỹ, Nhật, châu Âu, trong khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại… là một trong những lý do khiến kinh tế thế giới dù hồi phục, nhưng nhịp độ yếu và không đều. Kéo theo đó, sẽ là mức cầu yếu, là đầu tư chuyển dịch chậm hơn…

Tất cả những yếu tố đó chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam - nền kinh tế cũng đang bắt đầu hồi phục, nhưng còn chậm và chưa chắc chắn. Chưa kể, hàng loạt các yếu tố rủi ro, yếu kém trong nội tại nền kinh tế đang ngày càng phát lộ. Đó là nợ công tăng nhanh (gần chạm tới giới hạn 65% GDP mà Chính phủ đặt ra, trong khi khả năng trả nợ có hạn, hay nợ xấu chưa được xử lý hiệu quả, thu nhập dân cư thấp, sức mua yếu. Đó còn là hệ thống doanh nghiệp - cỗ máy tăng trưởng chính của nền kinh tế – trong 10 tháng đầu năm qua tiếp tục có hơn 54.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động; chỉ có 30% doanh nghiệp làm ăn có lãi; tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, chưa động đến được vấn đề cốt lõi nhất để đổi mới mô hình tăng trưởng…

Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, rủi ro cao, sức mua yếu sẽ tác động đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam, dòng vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp, cũng như lạm phát và tăng trưởng… Nhưng tác động đến đâu và cụ thể thế nào là vấn đề khó lường? Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cùng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế, liệu Việt Nam có nên đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát 5%? Đâu là giải pháp để nền kinh tế có một năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 tốt hơn?

Khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã ở mức quá lớn như hiện nay, những biến động trên kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam. Đánh giá và dự báo đúng kinh tế toàn cầu, những tác động của kinh tế thế giới tới Việt Nam, vì thế, càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này giúp các nhà hoạch định chính sách có được dự báo đúng khi lập kế hoạch, cũng như đưa ra các giải pháp hợp lý, chính xác cho sự phát triển của nền kinh tế.

Hai ngày cuối tuần qua, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, định hướng 2015. Đây là những đóng góp quý báu để từ đó, Quốc hội ra những quyết định quan trọng liên quan Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Hy vọng rằng, những thảo luận tại Hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam - Thực trạng 2014 và triển vọng 2015” sẽ góp thêm tiếng nói để các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện thêm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư