Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Dự báo những tháng cuối năm, thiếu 20 - 30% nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp
Hồ Hạ - 08/09/2021 17:28
 
Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Sản lượng nông lâm thủy sản đều tăng

Báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản 8 tháng, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thời gian tới của Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tác động lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của cả nước, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Hình minh họa.

Dù vậy, sản xuất nông lâm thúy sản vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, như: năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước. Đến cuối tháng 8, sản xuất nông lâm thủy sản cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Sản xuất lương thực 8 tháng đầu năm, cả nước tập trung gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa Đông Xuân; Hè Thu sớm và gieo cấy vụ Hè Thu, vụ Mùa, vụ Thu Đông. Cả nước thu hoạch ước đạt khoảng 6,8 triệu ha; sản lượng đạt 27,03 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái (riêng vụ Đông Xuân 20,5 triệu tấn với năng suất tăng cao đạt 68,3 tạ/ha), đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu (XK).

Sản xuất thực phẩm, tính đến 15/8, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được phục hồi và phát triển ổn định. Đàn bò tăng khoảng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn lợn tăng khoảng 4,5%; đàn gia cầm ước tăng 5,4%; riêng đàn trâu giảm 3,8%

Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 5.693 nghìn tấn, tăng 1,4%; trong đó khai thác 2.705 nghìn tấn, tăng 0,8%; nuôi trồng 2.988 nghìn tấn, tăng 1,8%.

Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 11.085 nghìn m3, tăng 5,1%; sản lượng củi khai thác ước đạt 12,9 triệu ste, giảm 0,4%.

Nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20-30%  

Tuy nhiên, hiện, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, thu hoạch và tiêu thụ cây ăn quả ở ĐBSCL thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngừng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp; một số nơi ùn ứ, người dân không có lãi.

Với ngành chăn nuôi, khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh; phát sinh các chi phí nuôi, chăm sóc khi không xuất chuồng được; giá TACN và thuốc thú y ngày một tăng cao; mức độ tiêu thụ sản phẩm gia cầm (ngoại trừ mặt hàng trứng) gặp rất nhiều khó khăn; mức độ tiêu thụ giống giảm 30 – 35% cùng với giá bán chạm đáy, dưới giá thành (4.000-6.000 đ/con gà giống 1 ngày tuổi); trang trại và hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thịt trứng gia cầm vào các tháng cuối năm; chi phí vận chuyển hàng vật tư, sản phẩm chăn nuôi tăng cao;

Với ngành thủy sản, chỉ có 30% doanh nghiệp thủy sản phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, công suất sản xuất trung bình giảm còn 30-40%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Hiện tại, có 15 nhà máy SX thức ăn/117NM và 120/449NM chế biến thủy sản dừng hoạt động ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân khác nhau (do có ca F0, không thực hiện được 3 tại chỗ…).

Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%;

Hiện còn 17 cảng đang tạm dừng hoạt động; số lượt tàu vào cảng để bốc dỡ thuỷ sản tại 25 cảng giảm 59.670 lượt tàu tương đương 334.000 tấn. Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.

Với ngành chế biến gỗ, 60% doanh nghiệp đảm bảo sản xuất theo quy định 3 tại chỗ, 40% còn lại phải ngừng sản xuất; chi phí xét nghiệm cao là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất còn khá cao để duy trì sản xuất kinh doanh; Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, giá mua giảm mạnh; Việc cung ứng vật tư đầu vào không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test Covid, thực hiện hướng dẫn cấp giấy đi đường, tỷ lệ lao động được tiêm vaccine rất thấp...

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản linh hoạt; Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân…

Để tạo thuận lợi cho ngành triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ người dân trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp.

Ưu tiên nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp
Cơ quan quản lý đề nghị doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sản xuất tối đa công suất để không xảy ra khan hiếm, khiến giá phân bón tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư