Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự kiến kiểm toán 26 dự án lớn, nhiều tập đoàn, ngân hàng trong năm 2023
Nguyễn Lê - 06/10/2022 17:20
 
Kiếm toán Nhà nước vừa gửi báo cáo đến Quốc hội dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2023, gồm 139 nhiệm vụ, giảm 39 nhiệm vụ so với năm 2022.
.
Qua kiểm toán sẽ đánh giá hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ (Ảnh minh hoạ của Duy Linh).

Theo đó, ở lĩnh vực ngân sách nhà nước sẽ kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 15 bộ, cơ quan trung ương và báo cáo quyết toán của 31 bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 76% - 31/41 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương), 59 địa phương.

Cụ thể là sẽ kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư; kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại16 bộ, cơ quan trung ương; kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán năm 2022 tại 15 bộ, cơ quan trung ương.

Lĩnh vực chuyên đề dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề trong năm 2023, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng, các chuyên đề liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách của nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Như, chuyên đề “Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”, chuyên đề “Việc quản lý và sử dụng Quỹ viễn thông công ích”, chuyên đề “Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm” và chuyên đề “Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”.

Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án dự kiến thực hiện 26 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện ...

Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.

Trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; ...

Tại các doanh nghiệp này sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nuớc năm 2022 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.

Ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả.

Các ngân hàng dự kiến trong danh sách kiểm toán năm sau gồm có Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương; Tập đoàn Bảo Việt...

Theo báo cáo, việc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm nhằm đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; xử lý nợ xấu; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư