Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Du lịch chăm sóc sức khỏe: “Mạch ngầm” chưa được khai thác
Hạnh nguyên - 12/10/2021 15:23
 
Du lịch chăm sóc sức khỏe đang trở thành xu hướng của thế giới. Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên, với nhiều cảnh quan hoang sơ, suối khoáng nóng, dược liệu phong phú… nhưng chưa được đầu tư, khai thác xứng tầm.
TIN LIÊN QUAN
Du khách trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh)
Du khách trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh)

Học cách làm của người Nhật

Khi sức khỏe của con người ngày càng được quan tâm, tại nhiều quốc gia, du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình phổ biến. Trong 5 năm gần đây, châu Á dẫn đầu cả số lượng khách và nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe. Nếu loại hình này duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, sẽ đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn cầu.

Tại châu Á, Nhật Bản vừa là điểm đến, vừa là thị trường khách nổi bật của du lịch chăm sóc sức khỏe. Đơn cử, Yufuin (Oita, Nhật Bản), vốn là một làng quê có xuất phát điểm kinh tế thấp vào những năm 70 của thế kỷ trước, nay trở nên giàu có và đáng sống nhờ khai thác suối khoáng nóng phục vụ phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.

Dự báo năm 2022, du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới sẽ đạt ngưỡng 919 tỷ USD. Hiện nay, loại hình du lịch này đang phát triển rầm rộ từ Bắc Mỹ đến châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và sẽ phát triển nhanh hơn trong những năm tới. Bởi nó nằm ở vùng giao thoa mạnh mẽ của hai ngành lớn đang bùng nổ là ngành du lịch thuần túy và ngành chăm sóc sức khỏe.
Chuyên gia ngành du lịch Nguyễn Văn Lưu

Ông Vũ Nam, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho biết, Yufuin có diện tích tự nhiên 1.800 ha, dân số khoảng 10.000 người, nhưng năm 2019 (thời điểm Covid-19 chưa xuất hiện), Yufuin đã đón gần 4,5 triệu lượt du khách, trong đó có gần 3,5 triệu lượt khách tham quan trong ngày.

Ước tính, trung bình mỗi ngày, Yufuin đón hơn 12.000 lượt khách, nhiều hơn dân số của làng. Thu nhập từ du lịch năm 2019 của người dân địa phương này đạt hơn 16 tỷ yên, tương đương gần 15 triệu USD (khoảng 340 tỷ đồng).

Được đánh giá là quốc gia không giàu có về tài nguyên thiên nhiên, nhưng nhờ đầu tư xứng đáng, Nhật Bản đã khơi đúng “mạch ngầm” quý báu, phát triển khoảng 27.000 điểm tắm khoáng nóng (Onsen). Đặc biệt, loại hình dịch vụ này trở thành “ngành kinh doanh tỷ đô” của đất nước mặt trời mọc với doanh thu khoảng 13 tỷ USD/năm.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Trông người lại ngẫm đến ta. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều “mạch ngầm” để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe với bờ biển dài 3.260 km, vùng ven biển có 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, bãi cát mịn, nước trong xanh, tĩnh lặng, an bình, rất phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, thể thao mặt nước, chữa bệnh.

Ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng nằm rải rác khắp ba miền, trong đó đã nghiên cứu và phân tích 287 nguồn khoáng nóng chia thành 11 loại nước khoáng, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai.

Chưa hết, Việt Nam còn có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng, với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Ngoài ra, Việt Nam còn có hệ thống di tích lịch sử phong phú; nhiều chùa, tịnh xá, hệ thống thiền viện cảnh quan hấp dẫn, có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng.

Giàu tiềm năng, nhưng du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam gần như còn bỏ ngỏ, chỉ mới bắt đầu khai thác, sản phẩm ít, chưa đặc sắc, khó thu hút du khách. Nguyên nhân chính là chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển loại hình du lịch này.

Hiện trong nước mới có một số nhà đầu tư khai thác suối nước khoáng nóng như: Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) được Vinpearl đầu tư; Quang Hanh (Quảng Ninh) do Sun Group đầu tư; Thanh Thủy (Phú Thọ) được Tập đoàn YoKo khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản…

Trước thời điểm Covid-19 bùng phát, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng, chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó, hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD. Điều đó cho thấy, không chỉ khách quốc tế, mà thị trường nội địa cũng là mảnh đất màu mỡ của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Bởi thế, bên cạnh các tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá vốn quen thuộc, nhận thấy du lịch chăm sóc sức khỏe ngày càng được ưa chuộng và dự báo sẽ lên ngôi hậu Covid-19, một số đơn vị lữ hành đã kịp thời bổ sung sản phẩm du lịch thiền/yoga, các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng ở những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành, song hành cùng các tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá vốn đã quá quen thuộc.

Để những “mạch ngầm” tài nguyên của du lịch chăm sóc sức khỏe được khai thác xứng tầm, các chuyên gia cho rằng, cần đưa loại hình du lịch này thành trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Chính phủ có chính sách phát triển loại hình du lịch này nhằm phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và thu hút người nước ngoài, tăng nguồn thu ngân sách.

Ngành du lịch phải phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này. Đặc biệt, hai ngành cần liên kết xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa các dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá loại hình này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư