Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Đức sẽ sử dụng điều dưỡng viên Việt Nam
Hải Hà - 16/08/2013 19:22
 
Hơn 100 điều dưỡng viên y tế Việt Nam vừa được nhận Chứng chỉ thi đỗ kỳ thi tiếng Đức trước chứng kiến của Đại sứ Đức tại Việt Nam, bà Jutta Frasch; Phó tổng vụ trưởng Bộ Kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, ông Harald Kuhne và Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp.

Đây là cột mốc đánh dấu dự án thí điểm đào tạo điều dưỡng viên Việt Nam cho thị trường lao động Đức.

Hơn 100 điều dưỡng viên y tế Việt Nam nhận Chứng chỉ thi đỗ kỳ thi
tiếng Đức, chuẩn bị đi đào tạo tại Đức

Theo đó, sau khi nhận chứng chỉ này, các thí sinh sẽ bắt đầu khóa học kéo dài 2 năm tại Đức từ tháng 9/2013 để trở thành các điều dưỡng viên chăm sóc người già.

“Dự án này nằm trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam. Đây cũng là ví dụ đặc biệt tốt đẹp thể hiện một trong những trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam là lĩnh vực đào tạo nghề và trao đổi lực lượng lao động”, bà Jutta Frasch nói.

Bà Frasch cũng nhấn mạnh thêm, Đức cũng chọn Việt Nam là nước đầu tiên ngoài châu Âu để thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực di cư lực lượng lao động chuyên môn trong ngành y tế.

Dự án thí điểm bồi dưỡng lực lượng lao động chuyên môn Việt Nam cho thị trường lao động Đức được Bộ Kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức (BMWi) ủy nhiệm cho Tổ chức GIZ thực hiện tại Việt Nam. Dự án đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA) và Cục quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) hỗ trợ.

Tháng 8/2013, Đức đã mở cửa thị trường lao động đối với nhiều ngành nghề Đức thiếu nhân lực chuyên môn trình độ đại học, như ngành y, chế tạo máy, khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Ở các cấp độ thấp hơn, Đức cũng thiếu nhân lực đối với các nghề điều dưỡng viên y tế chăm sóc người già, điện xây dựng, nước, kỹ thuật thiết bị vệ sinh, sưởi và điều hòa nhiệt độ.

Điều kiện để vào thị trường Đức là phải có trình độ đào tạo tương tự như trình độ đào tạo của Đức. Hiện nước này cũng đang chờ đón lực lượng lao động chuyên môn đã qua đào tạo.

Tại Việt Nam, với việc triển khai hợp tác đưa tiếng Đức vào giảng dạy tại hệ thống các trường phổ thông của Việt Nam và sự hình thành trường đại học Việt-Đức sẽ là bước đệm để lao động Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường lao động nước này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư