Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 04 năm 2025,
Dùng AI, Deepfake cắt ghép hình ảnh để chiếm đoạt tài sản của cán bộ, doanh nhân
Huệ Nguyễn - 25/04/2025 19:55
 
Nhóm đối tượng người Trung Quốc được xác định đã sử dụng công nghệ AI, Deepfake cắt ghép, tạo dựng hình ảnh, video “nhạy cảm” của nạn nhân để đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, qua công tác nắm tình hình và thông tin từ quần chúng nhân dân, Cục Cảnh sát hình sự đã phát hiện gần đây nổi lên tình trạng một số doanh nhân, cán bộ công chức nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ, kèm hình ảnh “nhạy cảm” và nội dung đe dọa, yêu cầu chuyển tiền, nếu không sẽ bị phát tán những hình ảnh này tại nơi công tác hoặc trên mạng xã hội.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các cục nghiệp vụ, Công an một số địa phương (TP. HCM, Lào Cai, Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình, Bắc Giang…) và các đơn vị có liên quan tổ chức xác minh, đấu tranh, xử lý theo quy định.

Một trong số những hình ảnh cắt ghép của các đối tượng, kèm tin nhắn đe dọa gửi đến nơi ở, cơ quan. Ảnh: BCA

Kết quả điều tra bước đầu xác định, đây là nhóm đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam hoặc liên hệ với người Việt Nam làm dịch vụ taxi, đổi tiền, bán sim thẻ điện thoại... ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để mua sim điện thoại đã chuyển vùng quốc tế.

Sau đó, các đối tượng về Trung Quốc (khu vực giáp ranh với TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai và TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), sử dụng công nghệ AI, Deepfake cắt ghép, tạo dựng hình ảnh, video “nhạy cảm” của nạn nhân để gửi kèm tin nhắn đến điện thoại, tài khoản mạng xã hội.

Không những thế, các đối tượng còn nhập cảnh vào Việt Nam, gửi thư tín đến nơi ở, nơi làm việc của họ để đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, yêu cầu nạn nhân liên hệ, trao đổi và chuyển tiền đến ví điện tử do đối tượng cung cấp.

Cùng với đó, nhằm luân chuyển dòng tiền, các đối tượng thuê tài khoản ngân hàng của một số người Việt Nam, tổ chức cho những người Việt ăn, ở tại các đặc khu, tòa nhà cao tầng tại Campuchia để “rửa tiền”, luân chuyển xoay vòng các tài khoản thuê, mua để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, sau đó mua USDT (tiền điện tử) trên các sàn Binance, OKX… để hoàn tất công đoạn chiếm đoạt tài sản.

Sau khi nắm bắt tình hình, Cục Cảnh sát hình sự đã chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương đồng loạt triệu tập các đối tượng người Việt Nam có liên quan; phối hợp cung cấp thông tin, đề nghị phía Trung Quốc triệu tập đấu tranh xử lý các đối tượng có liên quan.

Đến ngày 18/2/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát hình sự) đã khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản và Rửa tiền”, xảy ra tại Bình Dương, Bình Phước và một số địa phương, có yếu tố nước ngoài; đồng thời khởi tố một số bị can.

Các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng đã triệu tập 9 đối tượng người Trung Quốc để đấu tranh làm rõ; đang tạm giữ hình sự 7 đối tượng để điều tra.

Cũng với các hành vi và thủ đoạn tương tự, trong tháng 4/2025, Cục Cảnh sát hình sự đã hướng dẫn, phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ 3 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình đấu tranh xác định, các đối tượng đã mở tổng số 71 tài khoản ngân hàng cá nhân, thực hiện việc cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, xác thực khuôn mặt nhằm mục đích luân chuyển dòng tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là các đối tượng giúp sức cho các đối tượng chủ mưu, cầm đầu người Trung Quốc lừa đảo tại Campuchia với nhiều hình thức khác nhau như: cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, app hẹn hò, giả danh cơ quan Thuế, cơ quan Công an, shipper… Ước tính tổng số tiền luân chuyển qua các tài khoản khoảng 200 tỷ đồng của gần 1.000 bị hại trên phạm vi cả nước.

Qua các vụ việc trên, Bộ Công an cảnh báo người dân tuyệt đối không cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng; không đăng ký sim điện thoại cho người khác sử dụng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần lưu giữ thông tin của người mua khi bán sim thẻ điện thoại, trong đó có khách hàng là người nước ngoài.

Thêm vào đó, khi thực hiện các giao dịch bằng tiền điện tử, phải xác minh danh tính đảm bảo không để tội phạm lợi dụng để hoạt động rửa tiền và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Người dân cần thận trọng khi đăng tải hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội; luôn nâng cao ý thức cảnh giác trước các cuộc gọi không rõ danh tính, cuộc gọi từ số máy lạ.

Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm lừa đảo cần bình tĩnh và nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc thông báo qua số điện thoại đường dây nóng của Cục Cảnh sát hình sự: 0692.345.860

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Bộ Công an cảnh báo hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư