Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Được gỡ cơ chế, VDB đẩy mạnh tín dụng đầu tư nhà nước ra nền kinh tế
Thùy Liên - 05/03/2024 22:05
 
Các doanh nghiệp cho hay, dòng vốn đầu tư kịp thời cũng như các chính sách giãn hoãn nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội đầu tư mà còn vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.
f
Tổng giám đốc VDB Đào Quang Trường.

VDB đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng cho nền kinh tế

Chiều 5/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức Hội nghị Triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Trong 17 năm qua, VDB đã thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, là công cụ của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, góp phần đáng kể trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ.

Với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt hơn 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, VDB đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước, trong đó hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi măng, thép, ngành điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông…).

“Các dự án đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền cần ưu tiên theo đúng chủ trương định hướng của Đảng, Chính phủ qua từng thời kỳ”, Tổng giám đốc VDB Đào Quang Trường khẳng định

Không chỉ tập trung vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư cũng dành hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài, góp phần khẳng định sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng, đồng thời bảo đảm an ninh- quốc phòng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, Tổng giám đốc Đào Quang Trường cũng thẳng thắn nhìn nhận, những năm qua, VDB đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những vướng mắc về cơ chế chính sách, sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính, nhân sự… làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả và hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Từ thực tế đó, ngày 7/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước và có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho VDB, là bước tiến quan trọng để khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.

“Với cơ chế, chính sách về tín dụng của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện, đi vào cuộc sống, thông qua hội nghị này, VDB và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách tín dụng của Nhà nước chung tay thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, bảo đảm an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết mà Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra”, ông Đào Quang Trường khẳng định.

Vốn VDB giúp doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội đầu tư

Chia sẻ tại Hội nghị về hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH Ngô Minh Hải cho biết, từ năm 2011, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao tại Nghĩa Đàn, Nghệ An của TH đã được tiếp cận nguồn vốn của VDB. Năm 2014, TH tiếp tục nhận được nguồn vốn cho vay lại từ khoản vay của Chính phủ Israel dành cho Tập đoàn TH được VDB giải ngân.

f
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH.

Lãnh đạo Tập đoàn TH khẳng định, nguồn vốn này đã được tối ưu hóa nên “tiếp sức” cho thương hiệu TH True Milk khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đồng thời phát triển nhiều dự án trong các lĩnh vực khác ngoài nông nghiệp như giáo dục, dược liệu, năng lượng tái tạo…

Tương tự, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, trước năm 2021, 3 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn là Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đều nằm trong các dự án kém hiệu quả. Nhưng với sự đồng hành từ nguồn vốn của VDB (hơn 10.000 tỷ đồng), cũng việc giãn và điều chỉnh nguồn tiền trả nợ nên đến nay, Tập đoàn đã thanh toán được đa phần gốc và lãi (chỉ còn dư nợ gốc hơn 2.000 tỷ đồng), đặc biệt là dự án đạm Ninh Binh đã trả được hết nợ gốc.

Ông Hiệp cũng thông tin, hiện kết quả kinh doanh của Vinachem tương đối tích cực, những dự án được đầu tư và tài trợ vốn đã mang lại hiệu quả, có lãi, đạt công suất đề ra.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba), Chủ tịch Tập đoàn N&G cho hay, VDB đang phát huy vai trò là “bà đỡ” cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giúp phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp đáp ứng chuỗi sản xuất toàn cầu.

Điển hình cho sự góp sức này là Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) đã trở thành “điểm sáng”, hình các tổ hợp về phát triển công nghiệp công nghệ cao Technopark giữa Việt Nam với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…

Với những kết quả khả quan này, các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác của VDB.

Từ những ý kiến tại Hội nghị, ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT VDB cho biết sẽ tiếp tục hoạt động với tinh thần cùng phát triển, cam kết tiếp tục đổi mới để đem lại sự hài lòng và hiệu quả cho các quan hệ hợp tác.

Theo đó, VDB đề ra nhiều kế hoạch và nhiệm vụ thực hiện, như ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn nội bộ và công khai minh bạch quy trình cho vay để các doanh nghiệp, các chủ đầu tư dự án có đầy đủ thông tin tiếp cận việc triển khai cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước; đồng thời nâng cao năng lực nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn.

VDB cũng cho biết sẽ tiết giảm chi phí để giảm mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước trong thời gian tới, tạo hấp dẫn cho doanh nghiệp vay vốn.

Thu đã lớn hơn chi, Ngân hàng VDB sắp “thoát” cơ chế lương đặc thù do cơ cấu lại
Nghị định mới sẽ cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được áp dụng cơ chế tiền lương chung của doanh nghiệp nhà nước thay vì cơ chế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư