Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
EVN bước vào kỷ nguyên số hoá
Hoàng Nam - 16/12/2019 09:04
 
Chính thức cung cấp hợp đồng điện tử qua mạng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ điện bằng phương thức điện tử và bước vào kỷ nguyên số hoá.
.
Số hóa giúp “ảo hóa” giao tiếp giữa ngành điện và khách hàng, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả hai bên.

“Ảo hóa” giao tiếp với khách hàng

Việc cung cấp hợp đồng điện tử thể hiện rõ quyết tâm của EVN trong việc bắt kịp xu thế của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, hiện đại hóa các dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số, đem lại sự thuận tiện cho khách hàng và đảm bảo minh bạch.

Tính đến năm 2019, EVN đã cấp điện đến 100 % số xã và 11/12 huyện đảo với tổng số hơn 28 triệu khách hàng trên cả nước. Bình quân mỗi năm, EVN tiếp nhận và xử lý trên 1 triệu khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ điện năng.

Với khối lượng khách hàng đồ sộ này, việc áp dụng hợp đồng điện tử và phương thức điện tử trong cung cấp dịch vụ điện là bước tiến phù hợp, giúp minh bạch, đa dạng hóa trong giao tiếp với khách hàng, rút ngắn quá trình cung cấp dịch vụ, nâng cao năng suất lao động; giúp EVN tiết kiệm chi phí, đơn giản và thuận tiện trong quản lý nhằm đảm bảo việc thực thi và cung cấp dịch vụ đúng như các cam kết của Tập đoàn.

Với hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, từ dịch vụ cấp điện mới đến các thay đổi như nâng công suất, định mức số hộ, treo tháo công tơ điện định kỳ… được số hóa, khách hàng chỉ cần dùng Internet là đã được cung cấp hồ sơ, nhận thông tin và xác thực.

Số hóa cũng giúp “ảo hóa” giao tiếp giữa ngành điện và khách hàng, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả hai bên.

Trước đó ít ngày, EVN cũng là doanh nghiệp duy nhất tham gia triển khai kết nối và cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho 3 dịch vụ cung cấp điện, gồm: đăng ký và cấp mới khách hàng trung áp; đăng ký và cấp mới khách hàng hạ áp; thanh toán tiền điện.

Trong năm 2019, EVN triển khai giao dịch qua phương thức điện tử trên toàn quốc đối với 100% dịch vụ điện. Đến nay, EVN đã phối hợp với 39/63 tỉnh, thành phố xây dựng Quy chế phối hợp “một cửa liên thông” trong cấp điện mới qua lưới điện trung áp, toàn bộ dịch vụ điện của EVN được cung cấp tại Trung tâm Hành chính công/Cổng thông tin điện tử của 63 tỉnh, thành phố.

Chuyển đổi số xuất sắc

Những bước tiến mạnh mẽ của EVN trong việc áp dụng các phương thức giao dịch điện tử trong nhiều năm qua đã được người dân và cộng đồng ghi nhận. Ngày 6/9/2019, EVN cùng một số đơn vị của ngành điện đã được nhận Giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019 của Hội Truyền thông số Việt Nam.

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho hay, qua quá trình thẩm định hồ sơ của EVN, cũng như đánh giá kỹ lưỡng các hệ thống công nghệ thông tin mà EVN đăng ký, Ban Tổ chức, Hội đồng Sơ tuyển và Hội đồng Chung khảo hết sức ấn tượng và đánh giá rất cao những kết quả về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của EVN.

Điều này thể hiện qua 2 kết quả chính. Đó là, EVN đã nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp qua việc ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử; ứng dụng các hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ khách hàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ, nâng cao trải nghiệm của khách hàng sử dụng điện; có những hệ thống để tối ưu hóa mạng lưới vận hành.

Những ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của EVN, đồng thời tạo ra nhiều thuận tiện, tăng giá trị ưu đãi cho người dân khi sử dụng dịch vụ của EVN.

Một điều đặc biệt nữa là, quá trình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, rộng khắp trong toàn EVN. “Việc triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ là thách thức của bất kỳ doanh nghiệp nào. Trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, EVN là doanh nghiệp đã sớm quan tâm tới việc chuyển đổi số; có nhận thức và tầm nhìn trước về vấn đề này”, ông Văn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Văn, yếu tố đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số chính là sự cam kết, quyết tâm từ lãnh đạo doanh nghiệp. Tiếp theo đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ về nguồn nhân lực, không chỉ là đội ngũ chuyên làm về công nghệ, mà còn cần đào tạo, huấn luyện kỹ năng công nghệ thông tin cho toàn bộ cán bộ người lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cần có sự lựa chọn chính xác về công nghệ để ứng dụng phù hợp với đặc tính, quy mô của mình.

EVN hướng tới thành doanh nghiệp số trong tương lai gần
Tính đến hết năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giảm được 86% số lượng báo cáo giấy - từ 129 báo cáo giảm xuống chỉ còn 18 báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư