Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
EVN giãy giụa với viễn thông và những chi phí lạ
Thanh Hương - 08/10/2013 12:58
 
Những khoản đầu tư ngoài ngành hàng nghìn tỷ đồng nhưng kinh doanh lại ngập trong thua lỗ, nhiều khoản chi được hạch toán vào giá thành sản xuất điện trong khi quy định không cho phép hay sự thiếu trách nhiệm của một số cá nhân tại Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng như một số bộ chức năng đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra sau khi hoàn tất cuộc thanh tra hoạt động năm 2011 tại EVN mới đây.  

Vội làm “ông lớn” viễn thông

Câu chuyện đầu tư vào ngành viễn thông vội vàng đã khiến EVN gặp quả đắng và ngập trong số lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Tới ngày 29/11/2011, khi bàn giao tài sản của EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), EVN đã đầu tư trên 2.425 tỷ đồng cho viễn thông để nhận lại số lỗ lên tới 2.996 tỷ đồng.

Nghĩa là mất toàn bộ vốn đầu tư vào viễn thông. Nguyên nhân dẫn tới thua lỗ này là do lãnh đạo EVN, EVN Telecom đã vội vàng khi lựa chọn công nghệ CDMA vận hành trên dải băng tần 450 Mhz không hề có lợi thế so với công nghệ GSM khoẻ về sóng, đa dạng về thiết bị đầu cuối đang được các ông lớn viễn thông khác tại Việt Nam lựa chọn.

Đáng nói là ban đầu, EVN đã đề nghị sử dụng công nghệ GSM/GPRS nhưng không được chấp thuận nên mới vội vàng chuyển sang công nghệ CDMA để có thể kinh doanh viễn thông như dự tính.

Việc mô hình tổ chức kinh doanh viễn thông chưa phù hợp tại EVN Telecom khi đưa các Tổng công ty Điện lực (bấy lâu chỉ kinh doanh mặt hàng độc quyền là điện và lợi thế nhân viên thu tiền điện tận nhà) vào phát triển viễn thông, phải cạnh tranh quyết liệt với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chuyên nghiệp khi sẵn sàng tận dụng các cơ hội để chăm sóc khách hàng đã khiến EVN “lấm lưng, thua trắng”.

Không những vậy, theo hợp đồng chuyển giao EVN Telecom, hạ tầng viễn thông của EVN sang Viettel ngày 29/11/2011, EVN sẽ không thu phí trong vòng 30 năm với toàn bộ hệ thống cáp viễn thông chuyển sang Viettel, các tuyến cáp đã, đang và sẽ được Viettel triển khai trong toàn bộ hệ thống cột điện của EVN hiện tại và tương lai.

Ước tính, doanh thu bình quân thu được từ việc không thu phí của EVN sẽ khiến Viettel giảm giá thành dịch vụ viễn thông, tăng lợi nhuận hàng năm số tiền 354 tỷ đồng, trong khi EVN giảm một khoản tương ứng.

Những chi phí lạ

Theo TTCP, việc xác định thời điểm trích khấu hao sớm với hàng loạt nhà máy điện gồm Sơn La, Đồng Nai 3, Ankhe Kanak vào thời điểm kết thúc thí nghiệm mang tải 72 giờ hay bắt đầu thí nghiệm đấu nối hoà đồng bộ tổ máy vào lưới điện quốc gia thuộc bước thí nghiệm mang tải là sớm hơn so với quy định hiện hành.

Điều này đã khiến chi phí khấu hao tài sản cố định tại các dự án này được xác định sớm hơn, dẫn tới tăng chi phí sản xuất điện tại các nhà máy thuỷ điện hạch toán phụ thuộc EVN. Tuy nhiên, đáng tiếc là TTCP đã không đưa ra cụ thể con số khấu hao sớm đã tính vào giá thành điện này.

Ngoài ra EVN còn hướng dẫn 6 đơn vị gồm Ban QLDA thuỷ điện 1,2,4,5,6 và Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án (gồm dự án thuỷ điện Tuyên Quang, Bản Vẽ, Pleikrong, Sesan 3, Sesan 4, dự án thuỷ điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Đại Ninh và Nhiệt điện Ô Môn) đã hoàn thành đang phát điện từ nguồn vốn khấu hao cơ bản sang nguồn vốn do phát hành trái phiếu doanh nghiệp của EVN với số tiền trên 1.619 tỷ đồng.

Do thay đổi nguồn vốn hình thành tài sản nên lãi suất trái phiếu tương ứng số tiền 223,9 tỷ đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm, làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011.

Một ví dụ khác về việc phân bổ không đúng các chi phí vào giá thành điện là ở dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng công suất 300 MW. Trên thực tế, nhà máy triển khai chậm tiến độ hơn 3 năm, và tới ngày 26/11/2009, Hội đồng nghiệm thu cấp EVN đã chấp thuận cấp chứng chỉ nghiệm thu tạm thời và cho phép đưa nhà máy vào phát điện thương mại.

Nhưng từ khi bàn giao đưa vào vận hành đến 2/4/2012, nhà máy không thể hoạt động được liên tục 1 tháng, có nhiều tồn tại phải sửa chữa. Có tới 37 lần xẩy ra sự cố và thời gian ngừng để khắc phục là 2.289 giờ với tổng khối lượng dầu FO dùng để khởi động lại nhà máy là 12.593 tấn, tương đương 163,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên chi phí này được tính vào hoạt động của Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí khiến doanh nghiệp bị lỗ năm 2010 và 2011, trong khi trách nhiệm của tổng thầu xây dựng nhà máy lại lại không được xem xét. Dĩ nhiên, các chi phí này cũng sẽ tiếp tục được tính vào giá thành sản xuất điện và người tiêu dùng lại gánh chịu hậu quả.

Nhà máy nhiệt điện Uông Bí 1 mở rộng nhiều khi không thể hoạt động được liên tục một tháng

Một đơn vị khác trong EVN là Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCM) cũng hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh điện khoản khấu hao các tài sản thuộc dự án cao ốc 90 Lý Thường Kiệt (TP.HCM) số tiền hơn 1,8 tỷ đồng cũng được TTCP cho là chưa đúng quy định.

Tại Tổng công ty Điện lực Miền Nam đã mua 6 ô tô Camry 2.4G để phục vụ hoạt động kinh doanh vượt giá quy định số tiền 2,208 tỷ đồng.

Còn với 2 xe Toyota Land Cruiser có giá trị 5,094 tỷ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chung của EVN được TTCP xác định là vượt mức quy định với số tiền 3,014 tỷ đồng.

Dĩ nhiên tất cả các chi phí này được tính hết vào giá điện.

Chia lương chưa phù hợp

Báo cáo của TTCP cũng cho hay, trong thu nhập và tiền lương năm 2010, 2011 của EVN và các đơn vị thành viên, do định mức lao động giữa kế hoạch và thực tế không chính xác và quy chế chia lương chưa phù hợp dẫn tới thu nhập của các khối kinh doanh điện trong EVN có chênh lệch lớn.

Năm 2010, thu nhập của khối văn phòng EVN cao gấp 2,9 lần khối phát điện, cao gấp 2,44 lần khối truyền tải; 3,78 lần khối phân phối. Năm 2011, thu nhập của khối văn phòng EVN cao gấp 2,12 lần khối phát điện, cao gấp 1,82 lần khối truyền tải và gấp 2,88 lần khối phân phối.

TTCP cũng cho rằng, do EVN chưa xây dựng được quy chế trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện phần vốn nên không có cơ sở quản lý chặt chẽ thống nhất trong Tập đoàn, dễ nẩy sinh lãng phí, tham nhũng.

Tại Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ năm 2011 là 4,45 lần, vượt tiêu chuẩn cho phép và có xu hướng tăng tiềm ẩn nguy cơ mất khả năng thanh toán, nhưng các đơn vị trực thuộc NPT vẫn tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi số tiền 7,119 tỷ đồng trong khi không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng phúc lợi và bù đắp chi phí.

Kết thúc thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý tài chính gần 1.100 tỉ đồng và 1,648 triệu USD vi phạm. Tuy nhiên điều đáng nói qua việc thanh tra lần này cũng cho thấy trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi chưa thực hiện đầy đủ chức năng hướng dẫn, giám sát với EVN theo quy định mà mình được giao.

Việc cơ quan quản lý “lỏng tay” với EVN dĩ nhiên sẽ dẫn tới câu chuyện doanh nghiệp nương theo đó để được hưởng lợi, đưa các chi phí không theo quy định vào giá điện và cuối cùng cả nền kinh tế phải gánh chịu.

EVN nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV của EVN cho hay, ông đã chỉ đạo các đơn vị của EVN nghiên cứu báo cáo kết luận thanh tra của TTCP và tiếp tục làm rõ những vấn đề được đặt ra tại kết luận.

“Sau đó EVN sẽ trao đổi lại với các cơ quan thông tin để báo chí hiểu rõ hơn các vấn đề được TTCP đưa ra, bởi có những điều nói đơn giản như vậy thì không đủ”, ông Vượng nói.

Rất có thể, ngay trong chiều nay, EVN sẽ có thông cáo báo chí liên quan đến kết luận thanh tra này.

Ông Hoàng Quốc Vượng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV EVN vào tháng 9/2012. Trước đó, vị trí Chủ tịch HĐTV EVN do ông Đào Văn Hưng đảm nhiệm từ tháng 10/2007 và đã được miễn nhiệm vào tháng 1/2012.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư