Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
EVN thiệt hại gần 210 tỷ đồng tại Điện mặt trời Lộc Ninh 3
Huệ Nguyễn - 13/09/2024 15:22
 
Dù Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh 3 chưa đủ điều kiện cấp phép hoạt động điện lực và vận hành thương mại, song một số cơ quan thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm trái quy định, gây thiệt hại gần 210 tỷ đồng.

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tỉnh, thành phố.

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định, việc cấp giấy phép hoạt động điện lực, công nhận ngày vận hành thương mại và việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh 3, tỉnh Bình phước có nhiều vi phạm.

Từ đó, cơ quan này đã đề nghị truy tố Trịnh Văn Đoàn, cựu chuyên viên Cục Điều tiết điện lực; Trần Quốc Hùng, cựu Phó phòng thuộc Cục Điều tiết điện lực; Nguyễn Danh Sơn, cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện; Nguyễn Hữu Khải, cựu Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Mua bán điện; Trương Hoàng Dũng và Đỗ Ngọc Tuyền, cựu nhân viên Công ty Mua bán điện, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: Super Energy

Dự án Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh 3 là một trong 5 nhà máy điện mặt trời thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải, được xây dựng tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Dự án có công suất 150 MWp, được xây dựng trên diện tích 1.494.900 m2 đất rừng sản xuất, thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Cao su Lộc Ninh, vào tháng 10/2020.

Chỉ 2 tháng sau, ngày 11/12/2020, Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3 làm hồ sơ đề nghị Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương cấp phép hoạt động điện lực - lĩnh vực phát điện đối với nhà máy này, trong đó có hồ sơ pháp lý, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, 3 tài liệu xác định thực tế công trình được hoàn thành xây dựng.

Sau quá trình thẩm định 8 ngày, Trịnh Văn Đoàn, cựu chuyên viên Cục Điều tiết điện lực đã ký Báo cáo thẩm định, đề xuất; được Trần Quốc Hùng, cựu Phó phòng Cấp phép và quan hệ công chúng thẩm định lại và được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực ký giấy phép hoạt động điện lực cho Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh 3.

Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3 đã sử dụng giấy phép này để làm điều kiện đề nghị và được công nhận COD (ngày vận hành thương mại), được hưởng giá ưu đãi bán điện trước ngày 31/12/2020, với giá 7,09 UScent/kWh (tương đương 1.644 đồng/ kWh), thay vì giá 1.184,90 đồng.

Bị can Nguyễn Danh Sơn, cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện. Ảnh: Bộ Công an

Tại Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), tháng 6/2019, Nguyễn Danh Sơn, thời điểm này là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3, do ông Đinh Công Tá làm Giám đốc.

Trước khi hết thời hạn được ưu đãi giá mua điện 1 ngày, ngày 30/12/2020, Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3 đã làm hồ sơ đề xuất công nhận COD gửi Phòng kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện và được Nguyễn Hữu Khải tiếp nhận, giao Đỗ Ngọc Tuyền kiểm tra, đề xuất.

Ngay trong ngày, Tuyền đã trình dự thảo, đề xuất và được Nguyễn Hữu Khải, Nguyễn Danh Sơn duyệt ký ban hành văn bản thống nhất COD Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh 3 kể từ ngày 26/12/2020.

Cơ quan điều tra xác định, việc Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3 xây dựng nhà máy này khi chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường; chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu, nhưng Công ty Mua bán điện đã công nhận COD là trái quy định.

Từ đó đến hết tháng 11/2022, Công ty Mua bán điện đã trả cho Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3 là 750 tỷ đồng. Hành vi của các bị can tại Cục Điều tiết điện lực và Công ty Mua bán điện được xác định đã gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 210 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng mức giá mua ưu đãi là 1.644 đồng/kWh (tương đương 7,09 UScent/kWh).

Bộc Công thương quy định, các nhà máy điện mặt trời có ngày vận hành thương mại sau 31/12/2020 là nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, giá mua bán điện được áp dụng không vượt quá giá trần là 1.184,90 đồng/kWh.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương “giúp” doanh nghiệp không đủ điều kiện vẫn được kinh doanh xăng dầu
Dù không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp phép lại hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi hết hạn, song cựu Thứ trưởng Bộ Công thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư