Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Eximbank có gì đáng chú ý trước thềm đại hội cổ đông bất thường
T.V - 11/01/2023 09:56
 
HĐQT Eximbank (EIB) chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11/2022 để tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 16/1/2023 bầu thêm thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII.

Bầu thêm thành viên HĐQT sau khi cổ đông lớn thoái vốn

HĐQT Eximbank cũng ban hành Nghị quyết thông qua việc đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025). Đến cuối quý III/2022, HĐQT của ngân hàng gồm 7 thành viên với bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT.

Trước đó, Eximbank cũng đã có thông báo đến cổ đông về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề cử là 11/11/2022. Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung sẽ được nêu và công bố thông tin tại thông báo gửi cổ đông.

Theo kế hoạch đưa ra, ngày 6/12 Eximbank trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến. Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT diễn ra sau khi 2 thành viên HĐQT của ngân hàng đã có đơn từ nhiệm thời gian gần đây.

Cụ thể, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.

Trước đó, bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 của Eximbank tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 15/2/2022. Đây là 2 nhân sự đại diện cho nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công. Bà Hồng Anh còn được biết là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.

Nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã tiến hành thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB.

Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Hồng Anh là Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công bán hơn 44,7 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty cổ phần Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 1,005%).

Bên cạnh 2 nhân sự trên, hồi tháng 9, ông Võ Quang Hiển cũng không còn là thành viên HĐQT Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank.

Lý do miễn nhiệm là do ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9. SMBC là cổ đông lớn nước ngoài, nắm giữ 15% vốn Eximbank, nhưng cũng không loại trừ sẽ thoái vốn khỏi ngân hàng này để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại một nhà băng khác.

Trong khi chờ bầu thêm thành viên HĐQT thì mới đây, Eximbank có thông báo về đơn từ nhiệm của nhân sự cấp cao. Cụ thể, ngày 6/1/2023, Eximbank nhận được đơn từ nhiệm Thành viên Ban Kiểm soát của ông Trịnh Bảo Quốc vì lý do cá nhân.

Trước những diễn biến tại Eximbank trong thời gian gần đây, đã có hàng trăm triệu cổ phiếu EIB được sang tay trước thềm ĐHĐCĐ bất thường diễn ra và HĐQT nhà băng này sắp có thêm thành viên mới

Chỉ trong hai ngày 21/12 và 22/12/2022, đã có gần 212 triệu cổ phiếu EIB được sang tay với tổng giá trị hơn 5.916 tỷ đồng, tương đương hơn 17,2% cổ phần của ngân hàng. Trong đó, 204,7 triệu cổ phiếu được giao dịch bằng phương thức thoả thuận, giá trị giao dịch gần 5.714 tỷ đồng, tương đương khoảng 27.900 đồng/cổ phiếu.

Có xuất hiện thêm nhóm cổ đông mới tại Eximbank?

Một số thông tin trên thị trường xuất hiện cho rằng, sở dĩ cổ phiếu EIB được "sang tay" mạnh trong thời gian qua do một tập đoàn có tên tuổi được cho là sẽ tham gia Eximbank trước đây, nay gặp khó khăn nên phải "thoái" để có nguồn tài chính cũng cố hoạt động nội tại của mình.

Trước đó, thông tin trên thị trường tài chính xuất hiện, Eximbank sẽ có cổ đông mới tham gia là một tập đoàn bất động sản, sau khi đạt thỏa thuận nhận chuyển nhượng cổ phần của một vài cổ đông lớn tại ngân hàng này.

Thế nhưng, đến nay, sau gần 1 năm, chỉ có cổ đông lớn của Eximbank thoái vốn và chưa xuất hiện nhân tố mới. Song Eximbank được dự báo sẽ dần có sự thay đổi cơ cấu cổ đông.

Eximbank được xem là ngân hàng có biến động mạnh về nhân sự cấp “thượng tầng” trong nhiều năm trước, nhưng cuộc chiến “vương quyền” đã chấm dứt.

Kết quả kinh doanh khởi sắc từ hoạt động kinh doanh của Eximbank diễn ra trong bối cảnh ngân hàng có sự thay đổi về mặt nhân sự cấp cao khi bà Lương Thị Cẩm Tú lên nắm giữ ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Ngân hàng kể từ sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 vào ngày 15/2/2022 thành công.

Sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông Eximbank ngày càng tăng khi hầu hết các tờ trình của ban lãnh đạo đều được ĐHĐCĐ thường niên 2022 lần 2 thông qua. Tình trạng “đấu đá nội bộ” tại Eximbank đã kết thúc và ổn định. Ở nhiệm kỳ VII (2020-2025),  HĐQT Ngân hàng đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển ngân hàng lên hàng đầu.

HĐQT Eximbank mới đây thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận từ năm 2017 đến năm 2021.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ được nhận số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Thời gian dự kiến hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ là trong năm 2023.

Như vậy, cổ đông Eximbank chuẩn bị nhận được cổ tức sau 9 năm chờ đợi. Sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng Eximbank dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn 1 thập kỷ. Quyết tâm “chuyển mình” của Eximbank còn thể hiện qua động thái khởi động lại dự án trụ sở chính tại số 7, đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM (sau hơn một thập kỷ phải “đắp chiếu”.

Đầu tháng 12/2022, ngân hàng cũng đã công bố nghị quyết về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình đại hội đồng cổ đông với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với con số dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ đồng.

Tổng tài sản năm 2023 ước đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 14%, đạt 146.600 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 11,8% lên 165.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 1,6%.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu EIB chốt phiên ngày 10/1 đạt mức 28.100 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với đầu tháng này.

Eximbank và SMBC chia tay; VPBank chuẩn bị bán 15% vốn; ngân hàng tranh ngôi vương lợi nhuận
Động thái về thoái vốn, bán vốn, kế hoạch lợi nhuận năm 2022, biến động thị trường vàng Thần tài, triển vọng các kênh đầu tư năm nay…...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư