Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Eximbank và SMBC chia tay; VPBank chuẩn bị bán 15% vốn; ngân hàng tranh ngôi vương lợi nhuận
TL - 13/02/2022 10:25
 
Động thái về thoái vốn, bán vốn, kế hoạch lợi nhuận năm 2022, biến động thị trường vàng Thần tài, triển vọng các kênh đầu tư năm nay… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
f
SMBC muốn chia tay Eximbank sau hơn một thập kỷ sa lầy

Eximbank và SMBC thống nhất chia tay

Ngay ngày làm việc đầu tiên sau Tết nguyên đán, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; mã chứng khoán EIB) ra quyết định chấm dứt trước thời hạn đối với Thỏa thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007 giữa SMBC và Eximbank theo đề nghị của SMBC tại văn bản ngày 5/1/2021.  

SMBC trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank vào năm 2008 khi nắm giữ 15% cổ phần Eximbank trị giá 225 triệu USD. Khi đó, ngân hàng Nhật Bản đánh giá thị trường tài chính tại Việt Nam đang phát triển nhanh và việc hợp tác với Eximbank giúp SMBC nâng cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cuộc chiến vương quyền xảy ra giữa các nhóm cổ đông của Eximbank hơn một thập kỉ qua khiến SMBC bị sa lầy. Sau nhiều lần kiến nghị thanh lọc thành viên HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bất thành, SMBC đã quyết định rút vốn khỏi ngân hàng này.

Từ năm ngoái, trên thị trường rộ lên thông tin SMBC sẽ thoái sạch 15% vốn tại Eximbank để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank. Năm ngoái, SMBC cũng đã rót gần 1,4 tỷ USD mua 49% vốn FE Credit - công ty tài chính trực thuộc VPBank. Thương vụ này được coi là bước đệm dọn đường cho SMBC trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng mẹ VPBank. Trên thị trường chứng khoán hôm nay, cổ phiếu VPB tăng mạnh sau khi thông tin được hé lộ.

Trong khi đó, Eximbank vẫn chưa có dấu hiệu sóng yên bể lặng. Ngân hàng này dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/2 tới để tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022. Trước đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 1 của Eximbank được tổ chức hôm 27/4/2021 đã không thể diễn ra do không đủ số cổ đông tham dự.  

Theo tài liệu của cuộc họp bất thường nói trên, một nhóm cổ đông dự định trình đại hội đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 bao gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.

Cuộc chiến nội bộ đã khiến kết quả kinh doanh của Eximbank bị ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo tài chính quý IV/2021 cho thấy, năm 2021, ngân hàng này chỉ đạt 1.205 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 10% so với năm 2020. Nguyên nhân là do tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 6%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh.

 VPBank sắp hoàn tất bán 15% vốn điều lệ, hé lộ kế hoạch lợi nhuận, cổ tức năm 2022

Không chia sẻ cụ thể về tiến độ chào bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài, song chia sẻ tại cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư chiều 10/2, lãnh đạo VPBank kỳ vọng, thương vụ sẽ hoàn tất ngay trong năm 2022, tạo thêm thế và lực lớn cho VPBank tăng trưởng mạnh giai đoạn tiếp theo.

Trong khi đó, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc - cho biết thêm, năm 2022, VPBank sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, thực hiện mục tiêu đưa VPBank trở thành ngân hàng dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ

Tại ĐHĐCĐ năm 2021, Chủ tịch HĐQT VPBank đã trình bày kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng vào năm 2022, đưa vốn chủ sở hữu đạt khoảng 90.000 tỷ đồng cuối năm 2021.

Tính đến cuối năm 2021, kế hoạch này đã được triển khai đúng như kế hoạch đề ra khi VPBank đạt tổng tài sản gần 90.000 tỷ đồng, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 45.000 tỷ đồng.

Việc chào bán thành công 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài và chia cổ tức khủng bằng cổ phiếu năm nay sẽ giúp VPBank hiện thực hóa mục tiêu tăng vốn điều lệ lên mức cao nhất hệ thống. 

“Kế hoạch chia cổ tức năm 2022 sẽ được trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 tổ chức tháng 4/2022 tới đây. Để tuân thủ yêu cầu của NHNN về việc không trả cổ tức tiền mặt, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng năm nay, VPBank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Việc thực hiện chia cổ tức được tiến hành trên nguyên tắc đảm bảo quyền lượi cổ đông và đảm bảo nguồn vốn cũng như thực hiện tham vọng vươn lên vị thế dẫn đầu về vốn của VPBank những năm tới”, bà Thảo cho biết.

Với kế hoạch tăng vốn tham vọng, VPBank đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng, song sử dụng nguồn vốn lớn như thế nào cho hiệu quả cũng là áp lực lớn với ban lãnh đạo.

“Chúng tôi xác định cần phải tìm được  động lực tăng trưởng mới nếu không sẽ không tạo được sự tăng trưởng cao như giai đoạn vừa qua. Chiến lược phát triển 5 năm đã được VPBank khởi động từ giữa năm 2021 và đang  tích cực thảo luận với các chuyên gia tư vấn quốc tế để xác định đâu là mảng chiến lược cần đẩy mạnh trong tương lai. Có nhiều kịch bản được đưa ra, trong đó có kịch bản tăng trưởng 30-35% trong 5 năm tới, dựa trên cơ sở VPBank là ngân hàng đa năng, có nhiều phân khúc chiến lược, có hệ sinh thái lớn, đang tiếp tục cách mạng số hóa để nâng cao hiệu suất kinh doanh…”, Tổng Giám đốc VPBank cho biết.

Năm 2022, không đưa ra con số cụ thể song lãnh đạo VPBank cho biết đã đưa ra kịch bản tăng trưởng cao và kịch bản tăng trưởng hợp lý. Ước tính, năm 2022, ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng riêng lẻ ở mức 20%, nâng vốn điều lệ lên mức cao nhất hệ thống, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên 23-27%, tiếp tục cải thiện biên lãi ròng…

Kết thúc năm 2021, VPBank là một trong những ngân hàng lợi nhuận hợp nhất cao nhất và hiệu quả sinh lời tốt nhất hệ thống: Dẫn đầu về ROE (25,4%), dẫn đầu về hệ số an toàn vốn (14,3%), dẫn đầu về tổng thu nhập hoạt động trong số ngân hàng TMCP tư nhân (44.300 tỷ đồng), thuộc nhóm ngân hàng có chi phí vận hành tốt nhất (CIR 24,2%), biên lợi  nhuận (NIM) hấp dẫn nhất 8,1%...

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, năm 2021, VPBank là một trong những ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid 19, đặc biệt lợi nhuận của FE Credit không đạt kế hoạch, nợ xấu tăng cao khiến lợi nhuận hợp nhất không đạt kế hoạch. Đây cũng là điều khiến cổ đông lo lắng.

Trước băn khoăn của cổ đông và nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho rằng,  đây là lo lắng chính đáng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, lựa chọn mô hình kinh doanh rủi ro cao là lựa chọn chiến lược của VPBank, những thành tựu mà VPBank đạt được 10 năm qua đã chứng minh đây là lựa chọn đúng.

Tổng Giám đốc VPBank thừa nhận, VPBank là một trong những ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid 19 năm 2021 do ngân hàng mẹ và FE Credit có hàng triệu khách hàng thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp SME bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, VPBank cũng phải hỗ trợ lãi suất cho trên 300.000 khách hàng (là ngân hàng TMCP tư nhân hỗ trợ nhiều khách hàng nhất), chấp nhận giảm hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi hỗ trợ khách hàng.  Riêng FE Credit phải chấp nhận hụt 4.000 tỷ đồng lợi nhuận năm qua.

Tuy vậy, ông Vinh cho rằng, việc hụt hàng nghìn tỷ đồng này một phần là vào trích lập dự phòng, một phần là để hỗ trợ khách hàng, qua đó cũng tạo ra các giá trị quan trọng cho công ty. Dù hụt thu mấy nghìn tỷ đồng lợi nhuận, song bù lại VPBank và FE Credit có thêm nhiều bài học lớn về quản trị rủi ro, về số hóa hoạt động kinh doanh…

Quan trọng hơn cả, theo nhận định của VPBank, tài chính tiêu dùng vẫn là thị trường vẫn rất tiềm năng. Năm 2022, thị trường tài chính tiêu dùng có thể tăng tốc trở lại khi tăng trưởng GDP cả nước dự báo sẽ ở mức 6-7%. Trong khi đó, FE Credit ngoài kinh nghiệm dày dặn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng còn có sự hỗ trợ dồi dào về vốn, năng lực quản trị của cổ đông lớn SMBC, sẽ sớm quay lại đường ray phát triển, hoạt động an toàn, hiệuquả hơn.

Trong kịch bản lạc quan, lãnh đạo VPBank cho rằng, FE Credit sẽ lấy lại lợi nhuận 5.000- 6.000 tỷ đồng ngay năm nay. Còn ngay trong cả kịch bản kém lạc quan nhất, FE Credit cũng sẽ tăng trưởng tốt hơn năm ngoài. Từ quý IV/2021 đến nay, việc thu hồi nợ của FE Credit diễn biến hết sức tích cực.

“Khả năng phục hồi kinh tế lớn lạc quan của đất nước sẽ giúp VPBank nói riêng và FE Credit nói riêng sẽ tăng trưởng đột phá trở lại”, lãnh đạo VPBank nhận định.

Các kênh đầu tư tiềm năng năm 2022

Các yếu tố tác động đến từng kênh đầu tư (sản xuất, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, CPI, vàng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tiền ảo,…) được nhận diện ở những góc độ khác nhau.  

Giá vàng đã tăng rất cao năm 2020 (20,05%), tiếp tục tăng cao năm 2021 (8,67%), có thể sẽ tăng trong năm nay do tốc độ tăng CPI cao lên. Giá vàng thế giới tăng, song do giá trong nước cao hơn giá thế giới ở mức lớn (trên 12 triệu đồng/lượng), sẽ xuất hiện nhập khẩu vàng (hoặc nguyên liệu chế biến vàng) tăng cao hơn xuất khẩu. Theo đó, giá vàng trong nước khó tăng cao, nếu thấp hơn CPI thì bị lỗ thực, thậm chí còn bị lỗ về danh nghĩa.

Giá USD ở trong nước sau khi tăng thấp năm 2019 (0,99%), giảm liên tiếp trong 2 năm 2020 và 2021, sẽ không giảm, mà tăng lên trong năm 2022. Tỷ giá thương mại mang dấu âm 2 năm liền, năm 2022 sẽ trở lại mang dấu dương để khuyến khích xuất khẩu, xuất siêu, hạn chế nhập khẩu, nhập siêu. Gói kích cầu lớn có thể có hiệu ứng phụ làm cho lạm phát, tỷ giá VND/USD tăng.

Diễn biến trong nước cộng hưởng với giá USD trên thế giới có thể tăng sẽ làm cho giá USD ở trong nước năm 2022 tăng. Tuy nhiên, với các giải pháp của ngân hàng Nhà nước (NHNN), với bài học kinh nghiệm từ hàng chục năm trước…, thì tỷ giá tuy tăng, nhưng sẽ không tăng cao quá mức định hướng 2%.

bất động sản từ vài năm nay, ở một số địa bàn, một số phân khúc đã tăng với mức cao, nhờ thu hút một tỷ trọng không nhỏ gần 1/5 dư nợ tín dụng. Năm 2022, có thể có một phần không nhỏ từ kiều hối, từ gói kích cầu được lái vào thị trường này, sẽ làm cho một số địa bàn, một số phân khúc tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, trừ các bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, thì NHNN sẽ siết chặt tín dụng vào bất động sản có tính đầu cơ, các Dự án lớn. Một số tài sản thế chấp mà một số ngân hàng thương mại nắm giữ cũng đang khó bán ra. Hơn nữa, bất động sản đòi hỏi lượng tiền lớn, tính thanh khoản thấp…, không phải ai đầu tư, đầu tư vào phân khúc nào, ở đâu cũng có lãi thực dương.

Chứng khoán năm 2021 đạt kỷ lục về số nhà đầu tư mới (F0), giá trị giao dịch, giá trị vốn hóa và điểm số. Năm 2022, gói kích cầu nếu không được kiểm soát tốt, sẽ được “lái” vào thị trường này một lượng không nhỏ, nên có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đây là thị trường cao cấp, không phải ai cũng đầu tư có lãi.

Trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao, quy mô lớn (vượt 600.000 tỷ đồng), sắp đến kỳ đáo hạn thanh toán…, nhưng năm nay, NHNN sẽ chỉ đạo không khuyến khích đẩy mạnh, mà sẽ tiến hành thanh, kiểm tra.

Tiền ảo đã hút một lượng tiền không nhỏ của nhiều nhà đầu tư từ một vài năm nay. Tuy nhiên, đây cũng là kênh đầu tư “đau tim nhất”, diễn biến như “tàu lượn cao tốc”, tăng rất nhanh và rơi cũng rất nhanh. Hơn nữa, tiền ảo không được công nhận ở Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới và gặp nhiều rủi ro. Ở Việt Nam, tiền ảo còn bị quá nhiều sàn trá hình, sàn đa cấp đánh cắp làm hàng vạn nhà đầu tư sập bẫy…

Lãi suất từ cuối năm 2021 đến nay đã cao lên và khả năng sẽ cao hơn theo mức tăng CPI khi gói kích cầu được triển khai và để bảo đảm tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại, ngăn chặn hiệu ứng phụ - lạm phát cao. Có thể sẽ xảy ra cuộc đua lãi suất trở lại như cách đây 10 năm khi lạm phát cao lên.

Thị trường vàng: Nhộn nhịp trước ngày lễ Thần tài rồi quay đầu giảm mạnh

Tuần qua, giao dịch trên thị trường vàng tăng mạnh nhân dịp lễ Thần tài. Theo thông tin của các doanh nghiệp vàng, năm nay, lượng khách mua vàng tăng khoảng 30% so với năm ngoái.  

Theo khảo sát của phóng viên, giá vàng trước và trong ngày Thần tài tăng mạnh,  khoảng cách mua vào- bán ra được các nhà vàng doãng rộng. Trong ngày Thần tài, khoảng cách này bị đẩy lên 1-1,6 triệu đồng/lượng trong khi bình thường chỉ 500-600 nghìn đồng/lượng. Chênh lệch với giá thế giới vẫn duy trì trên 13 triệu đồng/lượng.

Tuy vậy, sau ngày Thần tài, giá vàng chiều bán ra bốc hơi 900.000 đồng/lượng, chênh lệch với giá thế giới giảm còn hơn 12 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy, người mua vàng Thần tài trước và trong ngày Thần tài đã bị lỗ nặng, tình trạng này xảy ra liên tục nhiều năm qua.   

Ngân hàng tranh ngôi vương lợi nhuận

Các ngân hàng tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ, trong khi khối ngân hàng thương mại quốc doanh đã qua giai đoạn bĩ cực nhất, khiến cuộc đua thứ hạng lợi nhuận ngày càng gay gắt.

Dẫn đầu về thị phần tín dụng, doanh thu và lợi nhuận trước dự phòng rủi ro, song BIDV chỉ đứng thứ 7 toàn hệ thống về lợi nhuậnăm 2021. Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận nhờ chất lượng tín dụng đáng mơ ước. Trong khi đó, VietinBank tạm nhường vị trí á quân lợi nhuận cho Techcombank và lùi xuống vị trí thứ 3 do mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Các vị trí tiếp theo thuộc về MB, VPBank, Agribank và BIDV.

Thứ hạng lợi nhuận của các ngân hàng đang có sự bám đuổi quyết liệt, khoảng cách ngày càng rút ngắn đáng kể. Vietcombank chỉ còn dẫn trước á quân là Techcombank 4.000 tỷ đồng lợi nhuận thay vì cách biệt 6.000 tỷ đồng với á quân VietinBank năm 2020. Nếu kịch bản tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank và Vietcombank được tái diễn trong năm nay, không loại trừ khả năng Techcombank sẽ soán ngôi Vietcombank, chiếm vị trí đầu bảng lợi nhuận.

Tuy nhiên, kịch bản trên có thể không xảy ra. Năm 2021, Vietcombank đã trích lập toàn bộ dự phòng rủi ro với nợ cơ cấu, nâng mức độ bao phủ nợ xấu lên cao kỷ lục 424%, đồng thời gánh nặng giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng cũng giảm bớt. Vietcombank đã chấp nhận giảm 7.100 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng, trong khi con số hỗ trợ khách hàng tại Techcombank chỉ chiếm phần nhỏ. Hai gánh nặng này được giảm tải khiến lợi nhuận của Vietcombank có thể tăng vọt năm 2022, tiếp tục giữ vị trí cách biệt với các đối thủ.  Trong khi đó, Techcombank tuy là á quân lợi nhuận năm 2021, song lại thiếu các yếu tố tạo nên sự tăng trưởng đột biến. 

Nhìn vào cơ cấu lợi nhuận của Top 10 ngân hàng đứng đầu hệ thống, có thể thấy, lợi nhuận của 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) không phản ánh hiệu quả hoạt động của các ngân hàng này. Cụ thể, tín dụng vẫn là mảng đem lại doanh thu chính cho các nhà băng. Tuy nhiên,  lợi nhuận từ hoạt động cho vay năm 2021 của khối ngân hàng quốc doanh chủ yếu đến từ nỗ lực giảm chi phí vốn, lãi cho vay tăng trưởng chậm hoặc không tăng (do phải giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng).

Khối ngân hàng TMCP tư nhân lại “ăn đậm” lãi vay nhờ vừa giảm chi phí vốn huy động, vừa thu nhập lãi vay. Sự khác biệt này khiến động lực tăng trưởng của khối quốc doanh năm 2022 được dự báo tốt hơn năm 2021, khi áp lực giảm lãi vay không quá nặng nề.

Vị trí quán quân lợi nhuận đang cạnh tranh gay gắt. Vietcombank vẫn là gương mặt sáng giá cho vị trí quán quân lợi nhuận ngân hàng nhiều năm tới, nếu không bị sức ép giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất nhiều gương mặt cũng có tiềm lực rất lớn cho vị trí này.

Xét về tổng thu nhập hoạt động, BIDV vẫn là ngân hàng có doanh thu cao nhất hệ thống với 62.400 tỷ đồng, vượt xa các đối thủ còn lại. Xét về lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng, BIDV cũng là ngân hàng có lợi nhuận thuần cao nhất với 43.000 tỷ đồng, vượt Vietcombank với hơn 39.000 tỷ đồng, Techcombank gần 26.000 tỷ đồng, VietinBank gần 36.000 tỷ đồng, VPBank 33.500 tỷ đồng, MB 24.500 tỷ đồng…

Điều làm nên sự khác biệt về lợi nhuận trước thuế của các nhà băng chính là con số trích lập dự phòng rủi ro. Năm qua, miếng bánh lợi nhuận khủng của BIDV bị “khoét” tới 29.432 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro. VietinBank và VPBank phải chi 18.000 -19.000 tỷ đồng trích lập dự phòng. Con số này tại Vietcombank là 11.760 tỷ đồng, tại MB là hơn 8.000 tỷ đồng. Riêng Techcombank chỉ chi hơn 2.664 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận tăng mạnh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các ngân hàng trên đang tăng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu, khiến con số trích lập dự phòng rủi ro những năm tới giảm bớt. Lợi nhuận từ đó ít “hao hụt” hơn, bức tranh lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ có sự xáo trộn. Ngoại trừ Vietcombank luôn có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục, thì năm qua, BIDV cũng tăng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 89% lên 235%, VietinBank nâng tỷ lệ này từ 132% lên 171%; Agribank nâng từ 120% lên 140%...

Bên cạnh câu chuyện bao phủ nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, áp lực giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, lợi nhuận các ngân hàng năm 2022 sẽ phân hóa rất rõ rệt, lợi thế nghiêng về một số ngân hàng có các câu chuyện riêng. Đó là các ngân hàng đang có “game” bán vốn, phát hành trái phiếu riêng lẻ, đàm phán lại các hợp đồng bảo hiểm độc quyền, thoái vốn khỏi các công ty con… 

Cụ thể, VietinBank có kết quả kinh doanh không mấy khả quan năm 2021, nhưng được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện nhờ số tiền thu được từ thương vụ bancassurance độc quyền, cũng như việc thoái vốn tại một số công ty con. BIDV đã trải qua giai đoạn trích lập dự phòng ăn mòn lợi nhuận và sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng cao. VPBank sắp bán 15% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài, đồng thời đang đàm phán ký lại hợp đồng bảo hiểm với AIA. Techcombank, Sacombank, DHBank, LienVietPostBank… cũng đang đàm phán để ký một hợp đồng bancassurance độc quyền mới.

Ngoài ra, theo SSI, một loạt ngân hàng như BIDV, Vietcombank, MB, VPBank, OCB, LienVietPostBank, SHB, MSB và HDBank cũng có thể cải thiện vị thế vốn nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công trong năm 2022. Việc tăng vốn thành công sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng, thêm lợi thế cạnh tranh, cuộc đua tranh thứ hạng lợi nhuận ngân hàng vì vậy sẽ ngày càng khốc liệt.

Lãi suất tiền gửi bất ngờ tăng cao

 Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi sau Tết Nguyên đán, mức cao nhất lên tới 12,4%/năm.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm tại VPBank kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng tăng khoảng 0,3 - 0,7%/năm so với trước đây; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng khoảng 0,7 - 0,8%/năm. Đối với tiền gửi tiết kiệm online, lãi suất tại các kỳ hạn cao hơn khi gửi tại quầy khoảng 0,2 - 0,3%/năm. Nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng với sản phẩm Prime Savings, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên lên đến 12,2-12,4%/năm, các tháng sau đó là 6,1-6,2%/năm.

Techcombank cũng tăng lãi suất từ 0,4-0,5%/năm với hầu hết kỳ hạn từ ngày 7/2/2022. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này là 5,8%/năm, tăng 0,4%/năm so với tháng trước.

Ngân hàng có mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay là Nam A Bank. Cụ thể, ngân hàng này áp mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm cho các khoản tiền gửi online có kỳ hạn 16 - 36 tháng kể từ tháng 1/2022. Lãi suất tại một số ngân hàng khác như BacA Bank, DongA Bank, OCB… cũng có tăng nhẹ.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có chiều hướng gia tăng sẽ tác động lên chi phí của ngân hàng, nhưng ngân hàng luôn đặt an toàn lên hàng đầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nên sẽ khó đẩy lãi vay tăng. Lãi suất cho vay ở mặt bằng thấp thì chi phí tài chính của doanh nghiệp thấp hơn, hoạt động thuận lợi hơn, từ đó khả năng trả nợ cho ngân hàng cũng tốt hơn.

Chuyên gia tài chính - kinh tế ông Huỳnh Bửu Sơn cũng đánh giá, lãi suất tiền gửi tiết kiệm khó tránh tăng trở lại do đã giảm mạnh trong thời gian qua và tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng chậm lại. Nhưng nếu mặt bằng lãi suất cho vay tăng trở lại, sẽ gây cản trở doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường có khó khăn nhất định hiện nay. Vì thế, chính sách tiền tệ đang hướng về hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2022.

Trong phiên giải trình tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãi suất là vấn đề doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Ngành ngân hàng cũng coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. Trong bối cảnh lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trung ương bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, thì yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là một vấn đề thật sự khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi, Chính phủ đã cân nhắc để đưa ra một số giải pháp, phấn đấu hệ thống tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 đến 1 điểm % lãi suất trong 2 năm.

NHNN nêu quan điểm về tín dụng PPP giao thông

NHNN vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc phối hợp đề xuất một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc tín dụng đối với Dự án PPP giao thông.

Tại công văn này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam một lần nữa khẳng định, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp tín dụng đối với các dự án PPP giao thông là các tổ chức tín dụng tự xem xét, quyết định cho vay các dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Ngân hành Nhà nước, hiện nay, nhiều dự án BOT đường bộ đã hoàn thành 2-3 năm nhưng chưa quyết toán xong, trạm thu phí tạm dừng thu chưa có quyết định hoặc lộ trình thu phí trở lại, các dự án có doanh thu sụt giảm chưa được rà soát, chưa tính toán lại lộ trình tăng phí...) dẫn đến tổ chức tín dụng không có cơ sở để xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền các dự án.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ GTVT phối hợp với nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tài trợ để rà soát, quyết toán dứt điểm các dự án đã hoàn thành; tính toán cụ thể phương án tài chính và ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng BOT làm cơ sở để tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo dòng tiền thực tế của dự án.

Do tài sản bảo đảm của các khoản vay đối với các dự án BOT chủ yếu là quyền thu phí. Việc xử lý tài sản đảm bảo kéo dài và rất khó khăn do phải được sự chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền và các dự án đã có doanh thu không đủ trả nợ vay thì khó có thể tìm được nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện dự án. Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT tích cực trong việc phối hợp nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tài trợ có chế xử lý tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng.

Với các dự án PPP giao thông mới, Ngân hàng Nhà nước cho rằng để triển khai thành công các dự án cần thực hiện tốt các giải pháp để thu hút được nguồn lực xã hội hóa thông qua việc xây dựng dự án khả thi, hiệu quả; có mức độ rủi ro chấp nhận được; tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, đấu thầu để lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính; đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng của tổ chức tín dụng; đồng thời có khả năng huy động vốn từ các nguồn khác nhau (vốn tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động qua thị trường chứng khoán...) giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn vốn cụ thể.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc cho vay các dự án BOT giao thông có mức độ rủi ro cao; trường hợp tập trung tín dụng và xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Để thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền có thể cho phép áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu, phí hoặc cơ chế giá phù hợp để đảm bảo hiệu quả dự án, hạn chế rủi ro cho tổ chức tín dụng cho vay đối với các dự án.

Bên cạnh đó,  theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 4 nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông gồm: vốn tự có; vốn vay ngân hàng; vốn TPDN; vốn từ các tổ chức quốc tế. Để phát triển các dự án hạ tầng giao thông, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ GTVT cần tiếp tục đẩy mạnh mạnh huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn như vốn ODA, vốn NSNN,... cho đầu tư các dự án, khi hoàn thành đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án thu phí hoàn vốn cho ngân sách nhà nước theo quy định của Luật NSNN và Luật PPP. Khi đầu tư các dự án bằng vốn đầu tư công, các tổ chức tín dụng vẫn có thể tham gia cấp tín dụng đối với các nhà thầu xây lắp, nhà sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng… để triển khai, thực hiện các dự án.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng Quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để huy động vốn cho các dự án PPP giao thông; xem xét phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, tăng cường vai trò và khả năng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, SCIC trong việc tài trợ các dự án hạ tầng giao thông

Eximbank đồng ý chia tay SMBC
HĐQT Eximbank vừa ra quyết định chấm dứt trước thời hạn đối với Thỏa thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007 giữa SMBC và Eximbank theo đề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư