Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
FDI tìm nguồn cung trong nước, doanh nghiệp nội rộng đường phát triển công nghiệp hỗ trợ
Như Loan - 22/02/2022 10:35
 
Năm 2022, dự báo làn sóng các doanh nghiệp có vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử vào Việt Nam tăng mạnh, kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa sẽ thêm cơ hội bứt phá.

Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội – doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện nhựa đang có những chiến lược mới đón sóng FDI

“Ông lớn” tìm nguồn cung trong nước

Trong tháng đầu tiên của năm, số vốn đầu tư FDI thực hiện đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng của Việt Nam khi được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Động thái khả quan cũng đến với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, khi có nhiều yếu tố đồng thuận giúp lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, một số FDI lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần đổ về Việt Nam, một số khác lại tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.

Đơn cử, hãng Apple đã đồng loạt chuyển các dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Đồng thời đầu tư thêm nhà máy hoặc mở rộng sản xuất tại các cơ sở sẵn có như: Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron…

"Ông lớn" Hàn Quốc là Samsung đã quyết định phát triển mạnh hơn tại Việt Nam bằng việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, trị giá 220 triệu USD, ở Hà Nội; đồng thời có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhiều nhà máy. Gần đây nhất, Samsung đã đầu tư thêm 920 triệu USD vào Thái Nguyên để xây dựng một dự án sản xuất mới.

Một số doanh nghiệp của Mỹ cũng đang tăng cường tìm kiếm hơn 300 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước để cung ứng hàng nghìn chi tiết, linh kiện...

Và mới đây, Panasonic đã chuyển nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt tại Thái Lan sang Việt Nam. Trong khi đó, các đơn vị đã hiện diện lâu năm cũng đều lên kế hoạch mở rộng sản xuất.

Những tín hiệu trên phần nào cho thấy kinh tế Việt Nam đã và đang lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Việc mở cửa thời gian tới chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy cho công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng.

Công nghiệp hỗ trợ nội địa chuyển mình trước cơ hội lớn

Theo ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (HoSE: NHH) cho biết: “Việc các ông lớn FDI tìm nguồn cung tại thị trường trong nước là cơ hội để doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị lớn. Tuy nhiên, tiến được vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các mô hình sản xuất hiện đại và công nghệ tiên tiến trên thế giới”.

Ông Hải cho biết thêm, Nhựa Hà Nội là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyên cung cấp linh kiện nhựa cho các FDI như Honda, Toyota, Samsung, Panasonic, LG, Daikin… Những năm gần đây, doanh nghiệp liên tục tham gia các chương trình tư vấn hợp tác của các doanh nghiệp FDI, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng và giảm tỷ lệ lỗi trong quy trình sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, Nhựa Hà Nội và các thành viên là Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác và Chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC), Công ty TNHH An Trung Industries đã tham gia chương trình cải tiến của của Bộ Công thương và Samsung Việt Nam. Đặc biệt, VMC đã thực hiện nhiều nội dung cải tiến và tăng được 2 bậc cải thiện năng lực sản xuất.

Đây là một trong những giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời khi đứng trước làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn lớn vào Việt Nam giai đoạn này, công ty cũng không ngừng đưa ra các chiến lược phát triển mới nhằm thu hút khách hàng.

Ông Choi Jo Hoo, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam (thứ ba từ phải sang) và đoàn công tác trong một lần làm việc tại nhà máy của VMC vào năm 2020

Trong năm 2022, công ty dự kiến tăng vốn góp vào các công ty con, trong đó có VMC. Vốn góp dự kiến tăng thêm 120 tỷ đồng vào VMC sẽ được sử dụng để bổ sung cho sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án khuôn lớn cho đối tác. VMC hiện là “cánh tay” đắc lực hỗ trợ cho Nhựa Hà Nội trong chiến lược tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Công ty sở hữu hệ thống khuôn đồng bộ, hiện đại, có năng lực thiết kế và chế tạo các loại khuôn từ siêu chính xác đến các loại khuôn cỡ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô mà ít doanh nghiệp nào trong nước có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, một thành viên khác của Nhựa Hà Nội là Công ty TNHH An Trung Industries chuyên cung cấp các linh kiện điện – điện tử cho các FDI cũng có nhiều kế hoạch tăng trưởng mạnh. Năm 2022, Samsung, Foxconn, Sony, Brother... vẫn là các đối tác chính. Trong đó, Brother đã tăng cường đặt hàng thêm nhiều chi tiết mới, một số khách FDI khác cũng tiếp cận để đặt hàng tại doanh nghiệp này.

Với việc chủ động thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, đồng thời nhanh chóng phục hồi khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Nhựa Hà Nội dự báo sẽ đón đầu được nhu cầu thị trường và tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Theo dự báo, năm 2022, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu điện thoại và linh kiện sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi kinh tế thế giới phục hồi. Đáng chú ý, lĩnh vực này tăng mạnh tại các nước có tiềm năng của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia. Đặc biệt, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…

Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử nói riêng. Điều này đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022.

Ưu đãi thuế TNDN với dự án công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển
Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư