Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 16 tháng 06 năm 2024,
Gây thiệt hại hơn 20 tỷ, cựu Phó chủ tịch huyện Gia Lâm nhận 36 tháng tù treo
Huệ Nguyễn - 22/05/2024 18:25
 
Cựu Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm (TP.Hà Nội) Nguyễn Ngọc Thuần vừa bị tuyên 36 tháng tù treo trong vụ trục lợi đất đai gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Chiều 22/5, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã ra phán quyết sơ thẩm đối với 7 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến những sai phạm trong quá trình chuyển đổi mục đích, miễn giảm tiền sử dụng đất, xảy ra tại huyện Gia Lâm.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần (sinh năm 1963), cựu Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cựu Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm bị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong số 7 bị cáo, có tới 5 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ tại huyện Gia Lâm bị đưa ra xét xử.

Người bị cáo buộc chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này là bị cáo Hoàng Văn Thành (sinh năm 1965, trú quận Long Biên, Hà Nội) bị tuyên phạt tổng cộng 26 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo Lương Văn Thành (sinh năm 1957), cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm bị phạt 4 năm 6 tháng tù; Lý Duy Khoa (sinh năm 1989), cấp dưới của Thành; Phan Thế Long (sinh năm 1976, cán bộ địa chính thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, cùng lĩnh án 4 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Bá Hoán (sinh năm 1973), cựu Phó bí thư, Chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Qùy, Gia Lâm bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Hải, lao động tự do, 4 năm tù.

Hội đồng xét xử đánh giá, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản thuộc sở hữu của người khác, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quản lý Nhà nước.

Theo cáo trạng, năm 2011, Hoàng Văn Thành và Ngô Thị Thanh Thủy (đã chết) góp tiền mua 9 thửa đất nông nghiệp, diện tích 5.233m2 ở tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Qùy, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Do đây là đất nông nghiệp trồng lúa, không được phép chuyển nhượng cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên UBND huyện Gia Lâm có văn bản yêu cầu các bên hủy bỏ giao dịch.

Tuy nhiên, 9 hộ dân không trả lại tiền nên Thành và Thủy vẫn là người sử dụng khu đất trên. Năm 2011, Thành lập ra Công ty cổ phần Kinh doanh tổng hợp – xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt (gọi tắt là Công ty Thành Đạt) với mục đích xin lập dự án xây dựng nhà liền kề để bán đất.

Năm 2012, UBND huyện Gia Lâm chấp thuận chủ trương đồng ý cho Công ty Thành Đạt lập dự án tại diện tích đất trên. Đến năm 2015, 2016, Thành và Thủy nhờ người đứng tên nhận ủy quyền định đoạt 8/9 thửa đất trên. Đồng thời, nhóm của Thành xin tách thửa.

Sau khi lập hồ sơ thể hiện đây là đất xen kẹt, UBND huyện Gia Lâm đã đồng ý chủ trương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất trên, Hoàng Văn Thành đã nhiều lần gặp Lương Văn Thành và Nguyễn Ngọc Thuần nhờ giải quyết các thủ tục.

Cùng với đó, nhóm của Thành cũng nhờ 29 người có công với cách mạng đứng tên các thửa đất, sau đó làm giấy ủy quyền giải quyết các thủ tục hành chính, với mục đích được miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo làm việc tại cơ quan Nhà nước biết rõ các vi phạm trên, nhưng vẫn lập hồ sơ, đề xuất và có tờ trình đề nghị UBND huyện Gia Lâm chuyển đổi mục đích sử dụng và miễn giảm tiền sử dụng đất với 26/29 thửa.

Cùng với đó, với vai trò Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực tài nguyên, môi trường tại UBND huyện Gia Lâm, bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần đã không kiểm tra hiện trạng đất, không chỉ đạo kiểm tra điều kiện miễn giảm tiền sử dụng đất.

Do tin tưởng cấp dưới, bị cáo Thuần đã ký 26 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng hơn 3.400 m2 đất và miễn giảm tiền sử dụng đất, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 20,4 tỷ đồng.

Các bị cáo làm việc tại các cơ quan Nhà nước cũng được Hoàng Văn Thành hứa hẹn suất mua hoặc cho đất tại khu vực trên. Ngoài ra, Thành còn khai, nhờ Nguyễn Quang Hải đưa 4 tỷ đồng cho lãnh đạo huyện Gia Lâm và 1,3 tỷ đồng cho Nguyễn Ngọc Thuần, nhưng quá trình điều tra không xác định được nên không có căn cứ xử lý.

Tòa phúc thẩm "truy" nguồn gốc hơn 400 tỷ đồng bị kê biên trong vụ Việt Á
Mẹ và vợ của Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á tiếp tục khẳng định, số tiền hơn 400 tỷ đồng trong 54 sổ tiết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư