Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
GDP quý II/2021 tăng trưởng ấn tượng 6,61%
Kỳ Thành - 29/06/2021 10:30
 
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong quý II/2021, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
TIN LIÊN QUAN

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

"Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi
Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi

Đưa ra một số nhận định, Tổng cục Thống kê cho rằng, nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 5,64%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong mức tăng của CPI tháng 6/2021 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,07%. CPI quý II/2021 tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao.

Lao động việc làm trong 6 tháng đầu năm được duy trì so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động và thu nhập bình quân của người làm công hưởng lương giữ được ổn định; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu 6 tháng năm 2021:

 – Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 5,64%
– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 9,3%
– Số doanh nghiệp thành lập mới: 67.081 doanh nghiệp
– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 4,9%
– Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: + 7,2%
– Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 28,4%
– Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 36,1%
– Xuất siêu: 1,47 tỷ USD
– Khách quốc tế đến Việt Nam: -97,6%
– Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 1,47%
– Lạm phát cơ bản: + 0,87%
– Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: 51 triệu người
– Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc: 49,9 triệu người
– Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi: 2,52%
– Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi: 2,58%

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư