Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gia cố năng lực thu thuế thương mại điện tử
Tú Ân - 05/10/2022 07:58
 
Nhiều giải pháp đang được nghiên cứu, thử nghiệm để cơ quan quản lý tăng nguồn thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thu gần 1.000 tỷ đồng qua hệ thống điện tử

Năm 2021, thị trường  thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020 và dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, phát triển hoạt động  thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, việc xác định căn cứ tính thuế…

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng kê khai đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh  thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (từ ngày 21/3/2022), đến nay đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng, gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple… Những nhà cung cấp này chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ  thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ông Minh cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài kê khai thuế theo quý. Tính đến thời điểm này, số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài là 500 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới nay, các nhà cung cấp nước ngoài đã đóng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng tiền thuế.

Song, có thể thấy, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ kinh doanh  thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hơn thế, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Tăng cường thu thuế TMĐT xuyên biên giới

Tổng cục Thuế đang nghiên cứu các đề xuất tăng cường quản lý thuế hoạt động  thương mại điện tử, tránh thất thu thuế. 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, một số chuyên gia đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với các hoạt động TMĐT.

“Tôi cho rằng, đây là giải pháp hay, cũng là điều mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị, đã được áp dụng tại một số nước như Argentina, Ecuador, Paraguay. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này cần phải củng cố rất nhiều về căn cứ pháp lý, về sửa đổi về Luật Thuế giá trị gia tăng, về thu nhập cá nhân hay luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản pháp luật có liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này”, bà Lan Anh chia sẻ.

Đại diện Tổng cục Thuế thông tin, ngành thuế đang nghiên cứu để ứng dụng rộng rãi giải pháp ủy nhiệm thu. Giải pháp này đáp ứng mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính, đồng thời thuận lợi cho người nộp thuế khi họ không cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế. Bằng các ứng dụng công nghệ thông tin mà bên ủy nhiệm thu cung cấp, thì hàng trăm ngàn người nộp thuế là cá nhân, tổ chức có thể tự nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân đề nghị, để tăng cường thu thuế TMĐT, cần phải hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp luật.

Ông Cường nêu ví dụ, hiện việc thu thuế được thực hiện thông qua hành vi dòng tiền, nhưng có thể đối tượng nộp thuế không dùng tiền Việt Nam, mà dùng các đồng tiền kỹ thuật số. Trong khi đó, Việt Nam chưa thừa nhận tiền số.

“Những đối tượng đó sẽ được đưa vào cơ chế điều tiết như thế nào. Chúng ta phải có khung khổ pháp luật có khả năng bao phủ được hết tất cả các hành vi”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này đề xuất cần tăng cường hơn nữa các ứng dụng công nghệ mới vào công tác thu thuế. Việc sử dụng trí tuệ  nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp tìm ra các hành vi giao dịch trốn thuế, không khai báo để theo dõi xử lý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, khi xây dựng các quy định, ngành thuế cũng đã nhấn mạnh vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc đối soát các nguồn tiền để có thể rà soát, kiểm tra được các đối tượng thu thuế có đầy đủ hay không.

“Quan trọng nhất là phải quản lý hoạt động của dòng tiền. Các giao dịch có thể tới hàng trăm ngàn USD, nhưng cũng có giao dịch số tiền hạn chế, vấn đề là chúng ta làm sao quản lý được dòng tiền để đối soát khi phát sinh giao dịch mua bán và có dấu hiệu trốn thuế”, bà Huyền nhấn mạnh.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, Việt Nam đang có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, 41 sàn bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ; 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có giao dịch. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn ước tính khoảng 3,5 triệu lượt mỗi ngày.

Thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 14/7/2022 từ các nhà cung cấp xuyên biên giới đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới đạt 256.000 tỷ đồng vào năm 2026
Doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20%/năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng năm 2021 và dự kiến đạt 256,1...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư