Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Giá cước 4G rẻ sẽ nhấn chìm 3G?
Tú Ân - 15/09/2015 14:17
 
Nếu các nhà mạng triển khai dịch vụ 4G với mức cước rẻ hơn, các gói cước 3G tốc độ cao sẽ càng ế, khiến khả năng thu hồi vốn đầu tư vào hạ tầng 3G càng trở nên khó khăn.
.
Dự báo, các nhà mạng khó có thể áp giá cao cho dịch vụ 4G

 

Trong thông báo mới về thử nghiệm 4G có thu phí bắt đầu từ tháng 10/2015, ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) khẳng định, khi cung cấp dịch vụ 4G, Viettel chỉ phân biệt cước thoại và dữ liệu, chứ không phân biệt 3G và 4G.

Thông tin trên được hiểu là, sẽ không có giá cước riêng cho 4G, mà chỉ có một giá cước duy nhất cho dịch vụ dữ liệu nói chung. Khách hàng sẽ trả tiền cho số lượng sử dụng data của Viettel, không phân biệt 3G hay 4G. Ví dụ, cước data 1GB 3G là 5.000 đồng, thì 1GB 4G cũng có giá 5.000 đồng, thậm chí thấp hơn.

Nhận định về giá cước 4G, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, trên thế giới, các gói cước 3G và 4G rất khác nhau, tùy vào mô hình kinh doanh của nhà mạng, nhưng đa số các nhà mạng khi bán dịch vụ data thì bán theo dung lượng sử dụng, không phân biệt data đó là 3G hay 4G.

Theo phân tích của ông Nam, khi triển khai 4G, tốc độ download rất nhanh, nên lượng tiêu thụ data của người dùng sẽ tăng vọt. Khi đó, các gói cước dung lượng nhỏ sẽ hết rất sớm và người dùng sẽ phải mua các gói cước lớn hơn. Việc này sẽ đem lại nguồn doanh thu mới cho nhà mạng, nên họ chỉ cần đặt giá 4G bằng giá 3G thì đã có lợi nhuận tốt.

Ông Qiu Heng, Phó chủ tịch Các mạng TDD của Huawei khuyến cáo, nhà mạng không nên đặt giá 4G quá cao so với 3G. Tại những nước đã triển khai 4G là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…, các nhà mạng để giá 3G và 4G theo kiểu: giá 3G 1GB là 3 USD, thì 4G 2GB là 4 USD, tức là giá cao hơn một chút, nhưng dung lượng lớn hơn nhiều. Như vậy, tổng giá 4G cao hơn, nhưng giá mỗi bit lại rẻ hơn và mô hình này đang thành công ở các nước trên.

Khác biệt lớn nhất giữa 3G và 4G là chi phí trên 1 bit dữ liệu truyền tải. Trong vài năm tới, nhu cầu tiêu thụ dữ liệu sẽ tăng lên nhiều lần, nhưng khách hàng sẽ chỉ sử dụng dịch vụ nếu tốc độ kết nối nhanh hơn mà không phải trả tiền nhiều hơn. Theo ông Qiu Heng, đây là điều mà nhà mạng cần lưu ý để áp dụng vào chiến lược kinh doanh và tính toán giá 4G hợp lý nhằm kích thích người dùng.

Ông Vũ Hoàng Liên, nguyên Trưởng ban 4G của Tập đoàn VNPT, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, về lý thuyết, giá 4G sẽ rẻ hơn giá 3G. Nhưng trên thực tế giá 3G đang rẻ, do ngay từ đầu, các nhà mạng đã giảm giá cước 3G khá thấp để cạnh tranh nhau. Do đó, đến thời điểm triển khai 4G, nhà mạng khó có thể áp giá cao cho 4G. Hơn nữa, do dùng 4G, khách hàng sẽ phải dùng dữ liệu nhiều hơn, tổng chi phí có thể sẽ cao hơn nhiều.

Theo ông Thiều Phương Nam, mỗi nhà mạng sẽ có một chiến lược xác định gói cước khác nhau, nên rất khó để đưa ra lời khuyên chung. Nhà mạng nào tập trung vào các khách hàng cao cấp ở những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, thì giá cước có thể không phải là vấn đề quan trọng lắm. Nhưng đối với khách hàng có thu nhập thấp, thì giá cước lại là vấn đề đáng suy nghĩ. Do đó, chiến lược về giá cước nên dựa vào mô hình kinh doanh của nhà mạng, vào đối tượng khách hàng mà họ nhắm đến.

Việt Nam hiện có gần 30 triệu thuê bao di động 3G, chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của các nhà mạng. Nếu triển khai công nghệ 4G, mức giá dịch vụ Internet di động có thể giảm xuống, phù hợp hơn với mức chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó với các nhà cung cấp dịch vụ di động, bởi nếu triển khai 4G với mức cước rẻ hơn, thì các gói cước 3G tốc độ cao sẽ càng ế, do vậy khả năng thu hồi vốn đầu tư vào hạ tầng 3G càng trở nên khó khăn hơn.

Bấm nút cuộc chạy đua 4G
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thực hiện đấu thầu mạng 4G có thể được tiến hành vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư