Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Giá dầu thô thế giới giảm hơn 10% trong năm 2023
Đông Phong - 30/12/2023 11:16
 
Giá dầu thô Mỹ khép lại năm 2023 ở mức giảm hơn 10% do tâm lý lo ngại rằng thị trường đang dư cung vì sản lượng bên ngoài OPEC tăng kỷ lục.
Nhà máy lọc dầu Los Angeles của công ty Phillips 66 cùng khu vực bể chứa các sản phẩm dầu mỏ tinh chế tại Nhà ga Kinder Morgan Carson tại bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters
Nhà máy lọc dầu Los Angeles của công ty Phillips 66 cùng khu vực bể chứa các sản phẩm dầu mỏ tinh chế tại Nhà ga Kinder Morgan Carson tại bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Sản lượng của Mỹ tăng kỷ lục

Giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 2/2024 đã giảm 12 cent, tương đương 0,17%, xuống còn 71,65 USD/thùng trong ngày giao dịch cuối năm 29/12. Tương tự, giá dầu thô Brent giao tháng 3 cũng giảm 11 cent, tương đương 0,14%, xuống còn 77,04 USD/thùng.

Kết thúc năm 2023, cả dầu thô WTI và dầu Brent đều chứng kiến mức trượt giá hàng năm đầu tiên kể từ năm 2020, bất chấp rủi ro địa chính trị và xung đột Israel - Hamas đang diễn ra ở Trung Đông. Giá dầu WTI đã giảm 10,73% trong năm 2023 trong khi giá dầu Brent trượt 10,32%.

Trong tuần này, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 3% vào ngày 26/12 do lo ngại các cuộc tấn công của phiến quân Hamas nhằm vào hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ sẽ làm gián đoạn thương mại toàn cầu và nguồn cung dầu thô.

Trong khi lo ngại leo thang ở Trung Đông đã khiến giá dầu thô tăng vọt trong thời gian ngắn, các nhà giao dịch dầu mỏ lại chú ý nhiều hơn đến nguy cơ mất cân bằng cung cầu do các quốc gia không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đẩy mạnh sản lượng khai thác.

Mỹ đang sản xuất dầu thô với tốc độ kỷ lục, bơm khoảng 13,3 triệu thùng mỗi ngày vào tuần trước. Sản lượng khai thác dầu mỏ cũng ghi nhận mức ở Brazil và Guyana. Sản lượng khai thác chạm mốc lịch sử của các quốc gia không thuộc OPEC đã ngược dòng với tình trạng suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn do lo ngại nhu cầu dầu mỏ suy giảm trong suy thoái.

Trong khi đó, liên minh giữa OPEC và các đồng minh đã cam kết cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý I/năm 2024, nhưng các nhà giao dịch dường như không mấy tin tưởng rằng chính sách cắt giảm của liên minh này sẽ đưa thị trường về thế cân bằng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu thô bên ngoài OPEC, đặc biệt là ở Mỹ, dự kiến sẽ vượt mức tăng trưởng nhu cầu vào năm 2024. Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ giảm một nửa xuống còn 1,1 triệu thùng mỗi ngày vào năm tới, trong khi sản lượng bên ngoài OPEC dự kiến sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày.

Thương mại dầu mỏ chịu tác động sâu sắc

Cơ quan Năng lượng Quốc tế nêu trong báo cáo triển vọng tháng 12/2023 rằng sự thay đổi nguồn cung dầu thô từ Trung Đông sang Mỹ và các nước Đại Tây Dương khác đang "tác động sâu sắc đến thương mại dầu mỏ toàn cầu".

Mỹ đóng góp 2/3 mức tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ bên ngoài OPEC trong năm 2023. Cho nên, đây là nỗ lực thách thức của các nhà sản xuất ở Trung Đông nhằm bảo vệ thị phần của họ và nâng giá dầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

OPEC dường như có rất ít cơ hội để hành động, ngoài việc cắt giảm sản lượng không thu hút được nhiều sự quan tâm của thị trường. Mặc dù Brazil đã nhất trí "bắt tay" với OPEC, nhưng tác động của động thái này đến thị trường dầu mỏ vẫn có chưa đánh giá cụ thể nào.

Phát biểu trên đài CNBC, giám đốc điều hành Occidental Petroleum, bà Vicki Hollub, đưa ra lời khuyên thận trọng cho ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ sau khi sản lượng khai thác của nước này trong năm 2023 đã đạt mức "phải ngạc nhiên".

"Các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ sẽ phải thận trọng khi đưa quá nhiều nguồn cung ra thị trường", bà Hollub khuyến cáo.

Giám đốc điều hành Occidental Petroleum và Morgan Stanley cùng nhận định rằng giá dầu thô Mỹ sẽ phục hồi trở lại vào năm 2024 với giá dầu WTI trung bình đạt khoảng 80 USD/thùng. Trong khi đó, Wells Fargo đưa ra dự báo thấp hơn với giá dầu WTI trung bình đạt 71,50 USD/thùng vào năm tới.

Mối đe dọa leo thang ở Trung Đông

Bà Helima Croft, giám đốc điều hành khối chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, khuyên nghị các nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến xung đột ở Trung Đông, trong lúc thị trường dầu mỏ vẫn đang tập trung nhiều vào bức tranh cung và cầu.

"Bất cứ điều gì gây ra sự đối đầu trực tiếp hơn với Iran và Mỹ đều là những gì các bạn phải theo dõi", bà Croft khuyên các nhà đầu tư.

Theo đài CNBC, ba binh sĩ Mỹ đã bị thương do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Iraq do phiến quân được Iran hậu thuẫn thực hiện vào đầu tuần này. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã ra lệnh tấn công trả đũa vào các địa điểm của phiến quân. Trong khi đó, các cuộc tấn công của phiến quân được Iran hậu thuẫn ở Yemen nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ đã khiến các hãng logistics toàn cầu tức tốc định tuyến lại một số tuyến vận chuyển từ kênh đào Suez quanh Cape of Good Hope (Mũi Hảo Vọng) ở châu Phi.

Tình hình xung đột cũng đang leo thang ở biên giới phía bắc của Israel với Lebanon. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm 26/12 cho biết Israel đang phải đối mặt với một "cuộc chiến đa đấu trường" từ bảy khu vực: Dải Gaza, Bờ Tây, Iran, Iraq, Lebanon, Syria và Yemen.

"Nếu bạn nhìn vào tình hình ở Trung Đông, tôi nghĩ còn quá sớm để loại bỏ những rủi ro ở đó", bà Helima Croft, giám đốc điều hành khối chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, lưu ý.

Giá dầu thế giới đang hướng tới những kỷ lục mới
Nhiều nhà phân tích nhận định giá dầu thô tại thị trường Mỹ và các thị trường quốc tế sẽ tăng lên đến hoặc vượt mức 100 USD/thùng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư