Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Gia Lai cất cánh
Sơn Thắng - 10/04/2013 15:51
 
Gia Lai hội đủ tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế đặc thù, nổi bật nhất là địa thế về giao thông, kết nối với Bình Định (Quốc lộ 19), Đà Nẵng, Quảng Nam.
TIN LIÊN QUAN
Gia Lai có đủ điều kiện để phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản

Tiềm năng phát triển

Sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh Gia Lai với nguồn tài nguyên đất rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Hiện nay, tỉnh Gia Lai có 76.367 ha cà phê, 73.218 ha cao su, 20.568 ha cây điều, 5.050 ha hồ tiêu, 19.325 ha mía, 55.357 ha ngô, 60.820 ha cây sắn, 2.970 ha cây thuốc lá, 1.169,8 ha chè... đủ điều kiện để phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản.

Không những thế, Gia Lai là một trong những vùng giàu tài nguyên về khoáng sản, trong đó đáng kể là bô-xít, đá vôi, đá bazan, đá granit, sắt, chì, vàng, đá quý, đá puzơlan..., có nhiều triển vọng để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Trên địa bàn Gia Lai còn có hệ thống sông lớn là Sê San và sông Ba, do địa hình dốc, nên đã tạo ra một nguồn thủy năng lớn có thể khai thác xây dựng nhiều công trình thủy điện với quy mô vừa và lớn (Ialy 720 MW, Sê San 3 - 260 MW, Sê San 3A - 108 MW, Sê San 4 - 360 MW, Sê San 4A - 70 MW; trên sông Ba đang xây dựng công trình thuỷ điện An Khê- KaNat - 173 MW và sông Ba Hạ - 250 MW)

Với hệ thống sông suối là đầu nguồn của hai hệ thống sông lớn nói trên, Gia Lai có thể xây dựng nhiều công trình thủy điện với công suất khai thác từ 300-400 MW. Hiện nay, tỉnh đã cấp phép cho một số công trình thủy điện nhỏ có công suất từ 2 đến 30 MW. Đây vừa là tiềm năng, vừa là lợi thế của Gia Lai so với các tỉnh trong khu vực.

Gia Lai có tiềm năng lớn về phát triển du lịch - dịch vụ, lữ hành, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, thiên nhiên đã được công nhận, đặc biệt là không gian văn hoá cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại; các địa danh như: núi Hàm Rồng, Biển Hồ, Tây Sơn thượng đạo, làng STơr - quê hương Anh hùng Núp, thác Phú Cường, hồ Ayun Hạ, hồ Ia ly, là những địa danh đã đi vào lịch sử sẽ là nơi tổ chức các dịch vụ du lịch - du lịch lữ hành.

Ông Hoàng Công Lự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tổ chức thành công 3 hội nghị xúc tiến đầu tư. Sau các hội nghị này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến đầu tư tại Gia Lai với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, với cơ chế một cửa liên thông về đăng ký và thành lập doanh nghiệp, các nhà đầu tư chỉ nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau 5 ngày sẽ nhận được giấy đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế”, ông Lự nói.

Điểm sáng thu hút đầu tư

Thủ phủ Gia Lai (TP. Pleiku) có Khu công nghiệp Trà Đa 109,3 ha với điều kiện hạ tầng hoàn chỉnh, đã lấp đầy 95% diện tích và mở rộng 15 ha, đang có kế hoạch mở rộng lên 300 ha. Ngoài ra, Khu công nghiệp Tây Pleiku được quy hoạch tổng thể với quy mô 500 ha, Cụm công nghiệp Chư Sê nằm cạnh giao lộ 14 và 25, Cụm công nghiệp Ayunpa nằm cạnh Quốc lộ 25, Cụm công nghiệp An Khê nằm bên Quốc lộ 19 và xu hướng đón tiếp các nhà đầu tư và giao thương với cảng biển của miền Trung.

Bên cạnh đó, Kon Tum còn có các khu công nghiệp khác như Cụm tiểu thủ công nghiệp Diên Phú (Pleiku), Khu công nghiệp Trà Bá, Bắc Biển Hồ, Khu công nghiệp Hàm Rồng, Khu công nghiệp khu kinh tế cửa khẩu đường 19…, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chọn lựa địa điểm xây dựng nhà máy.

Ông Hoàng Công Lự cho biết, sau Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh rất khả quan, đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Tại diễn đàn này, tỉnh có 2 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư là Dự án Trồng và chăm sóc cao su và Dự án Nhà máy sản xuất phụ gia khoáng Puzơlan. Đến nay, Dự án Trồng và chăm sóc cao su, quy mô 847ha, vốn đầu tư 90,83 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần trồng rừng Công nghiệp Gia Lai, đã trồng xong, đang trong giai đoạn chăm sóc, dự kiến đưa vào khai thác năm 2014-2015. Riêng Dự án Nhà máy sản xuất phụ gia khoáng Puzơlan, quy mô 40.000 tấn/năm, vốn đầu tư 59 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hưng Tín, đã đi vào hoạt động năm 2009.

“Kết quả triển khai hai dự án này đã minh chứng, việc thu hút đầu tư của Gia Lai rất hiệu quả, một phần khẳng định chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương đã và đang phát huy tác dụng tốt”, ông Lự nói

Theo ông Trương Tơ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, khởi đầu suôn sẻ đã mở ra triển vọng lớn cho việc thu hút đầu tư vào Gia Lai, cũng như giúp UBND tỉnh mạnh dạn hơn trong việc áp dụng những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Sau thành công bước đầu này, Gia Lai đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và đã thu hút, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án lớn, với tổng vốn đầu tư 2.321 tỷ đồng. Phần lớn các dự án này đã hoàn thành hoặc đang triển khai đúng tiến độ cam kết.

Chẳng hạn, Dự án Nhà máy Thủy điện Đăk Srông 2A, công suất 18 MW, vốn 353,4 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện năm 2011. Dự án Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai quy mô 200 giường bệnh, với tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng do Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011. Dự án Nhà máy chế biến đá bazan xuất khẩu và tiêu thụ nội địa quy mô 10.000 m3/năm, vốn đầu tư 15,5 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Hiệp Lợi stone làm chủ đầu tư, đã hoàn thành năm 2010. Hay Dự án Siêu thị Daily @ Mart, với tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Nam Sao làm chủ đầu tư, cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2012.

Bên cạnh những dự án đã hoàn thành, một số dự án đang triển khai như Dự án Khu xử lý rác thải và sản xuất phân vi sinh từ rác, công suất 14.600 tấn/năm, vốn đầu tư 13 tỷ đồng do Công ty cổ phần Vinaseen Phương Hướng làm chủ đầu tư, đang lắp thiết bị, dự kiến quý II/2013 đi vào hoạt động; hay Dự án Khu Du lịch sinh thái thác Phú Cường, với tổng vốn đầu tư 57 tỷ đồng, được xây dựng trên quy mô 150 ha của Công ty cổ phần Phú Hưng Thịnh…

Ông Tơ cho biết thêm, do khó khăn về tình hình tài chính, lãi suất ngân hàng cao, giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục pháp lý kéo dài, nên một số dự án triển khai không đúng tiến độ hoặc quá thời hạn nhưng không triển khai. Trong đó, một số chủ đầu tư đã xin trả lại dự án hoặc gia hạn thời gian triển khai, như Dự án Nhà máy cồn ethanol công suất 100.000 tấn/năm, vốn đầu tư 603,9 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thảo Nguyên Việt Nam, dự kiến triển khai trong quý II/2013, nhưng đã được UBND tỉnh cho gia hạn triển khai.

Một số dự án khác đang được UBND tỉnh xem xét thu hồi hoặc thu hồi, như Dự án Thủy điện Pleikeo công suất 13,5 MW, vốn đầu tư 362,2 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thủy điện Quốc Cường Gia Lai đầu tư; Dự án Thủy điện Đăk Pô kei công suất 9 MW, vón đầu tư 225 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thủy điện Bảo Long Gia Lai; Dự án Thủy điện Glae 2 công suất 9 MW, vốn đầu tư 226 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thủy điện Khải Hoàng làm chủ đầu tư…

Cùng với các dự án trên, UBND tỉnh Gia Lai đã ký cam kết đầu tư với 16 nhà đầu tư khác, với tổng vốn đăng ký hơn 5.800 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến Dự án Nhà máy sản xuất MgO (quặng Magnesite) và vật liệu chịu lửa (300 tỷ đồng), Trường Quốc tế đa cấp (270 tỷ đồng), Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch TP. Pleiku (200 tỷ đồng), Dự án Cồn ethanol chế biến từ mật rỉ đường (500 tỷ đồng), 6 dự án trồng cao su đang triển khai, với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng…

Ngoài các dự án được xúc tiến, cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đầu tư tại các hội nghị lớn, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã cấp phép cho 54 dự án trong các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 35 dự án (3.286 tỷ đồng), lĩnh vực nông, lâm nghiệp 11 dự án (612,6 tỷ đồng), lĩnh vực thương mại dịch vụ 7 dự án (131,8 tỷ đồng) và 1 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản đang được triển khai với tổng vốn đầu tư 5.279 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư