Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gia Lai sẽ là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”
Ngô Sơn - Tiến Thành - 31/12/2023 16:50
 
Quy hoạch tỉnh Gia Lai vừa được phê duyệt với mục tiêu là trung tâm phát triển khu vực Bắc Tây Nguyên, tiên phong chuyển đổi nền kinh tế xanh, dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký thay Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, địa giới hành chính tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.510,13 km2. Tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Pleiku và 16 huyện, thị xã.

 Quan điểm phát triển theo hướng trở thành hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng. Phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại; phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội. Xây dựng Gia Lai trở thành địa bàn chiến lược, vững mạnh về an ninh, quốc phòng gần với tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Quy hoạch tỉnh Gia Lai là trung tâm phát triển của Bắc Tây Nguyên.

Là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. 

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên ba trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp. 

Về xã hội, tỉnh Gia Lai mang đặc trưng vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng. Xây dựng cộng đồng có lối sống xanh, lấy con người làm trung tâm, nâng cao tri thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực.

 Môi trường sinh thái tỉnh Gia Lai xanh hơn, bền vững hơn với khả năng phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu. Tái lập hệ sinh thái đặc sắc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tăng cường đa dạng sinh học vùng Nam Trường Sơn, bảo vệ cấu trúc địa chất núi lửa Tây Nguyên. 

Xứng đáng là tỉnh có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, xanh, thông minh. Tỉnh kết nối với sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông gắn dịch vụ vận tải; hạ tầng công nghệ số liên thông với hạ tầng số quốc gia. Hệ thống đô thị phát triển hiện đại liên kết với khu vực nông thôn, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, tiện ích xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư