Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Gia Lai tập trung đầu tư phát triển ngành du lịch
Thanh Chung - 18/12/2023 17:43
 
Với tiềm năng thế mạnh về văn hóa, tài nguyên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, Gia Lai tập trung đầu tư vào ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung nghiên cứu, phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm khác biệt, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường xanh, sạch, đẹp, điểm đến thiên nhiên hấp dẫn và khác biệt”. Trong đó, tập trung đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển dịch vụ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu thêm các nhóm sản phẩm du lịch như: du lịch lễ hội (festival tour), MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch đêm, city tour. Ngoài ra, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch tham quan trải nghiệm đường sông trên các tuyến thủy nội địa như sông Ba, sông Sê San, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ.

Triển khai mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), đồng thời đánh giá hiệu quả để nhân rộng mô hình điểm này trên địa bàn tỉnh.

Du lịch cộng đồng là loại hình đem lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc giảm nghèo. Không những thế, du lịch cộng đồng Gia Lai còn góp phần bảo tồn, phát huy các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào Bahnar, Jrai. Tiềm năng, thế mạnh bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có giá trị rất lớn để khai thác loại hình du lịch nhân văn này.

Một số địa phương đã xây dựng các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng với sự tham gia của người dân, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với khu vực nông thôn như mô hình du lịch cộng đồng làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng), làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang).

Ngoài ra, nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai được lựa chọn, quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng trong định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long, Gia Lai có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của khu vực Tây Nguyên, là địa phương có lợi thế về tài nguyên du lịch văn hóa và sinh thái, nổi bật là di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.

Gia Lai xác định phát triển du lịch trong mối quan hệ mật thiết liên vùng, gắn kết với các tuyến điểm du lịch của khu vực, quốc gia và quốc tế. Tỉnh cũng thúc đẩy du lịch thông minh, chuyển đổi số trong du lịch.

Tại thị xã Anh Khê, đầu năm 2022, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Hay tại huyện Đắk Pơ có hai di tích lịch sử - văn hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt là: Hòn đá ông Nhạc nằm trong quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo, Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ…

Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 diễn ra từ ngày 11 đến 19/11 tại TP Pleiku và các huyện Chư Păh, Ia Grai đã kết thúc thành công, tốt đẹp. Các hoạt động lễ hội thu hút 165.000 lượt du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Khai trừ ra khỏi Đảng đối với cựu Phó chánh văn phòng Sở Nội vụ Gia Lai
Ông Nguyễn Đình Trúc, cựu Phó chánh văn phòng Sở Nội vụ Gia Lai bị khai trừ Đảng vì là đồng phạm trong vụ án gây thất thoát hơn 500 triệu đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư