Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Giấc mơ đồ sộ về hệ thống truyền tải điện
Thanh Hương - 16/03/2021 16:12
 
Trước yêu cầu đầu tư lưới điện truyền tải khá lớn trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, EVNNPT đã đề nghị có tính toán để phù hợp với thực tế.

Trong vai trò đơn vị đang chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện xương sống của quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVNNPT) đã một đơn vị được Bộ Công thương yêu cầu góp ý kiến trực tiếp cho Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Kế hoạch đầu tư truyền tải bỏ xa thực tế

Hiện đang có thực tế, các địa phương chỉ quan tâm tới nhà máy điện chứ ít mặn mà với việc đầu tư lưới điện. Lý do rất đơn giản là nhà máy điện khi đầu tư và phát điện sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho địa phương nhờ thu được một số khoản thuế trong khi đầu tư lưới điện thì vừa không có nguồn thu, vừa liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng vốn rất phức tạp và dễ gây khiếu kiện.

Điều này đã khiến nhiều địa phương lớn đã bị tắc truyền tải do có sự đổ bộ đầu tư lớn vào nguồn điện trong khi lưới điện không theo kịp với nguồn được bổ sung đột biến.

Thực tế này cũng được EVNNPT kiến nghị các nhà lập quy hoạch xem xét thật kỹ khi tính toán cân đối các nguồn điện và lưới truyền tải đi kèm để tránh Quy hoạch lập ra hoành tráng nhưng khả năng hiện thực lại không nhiều.

Theo EVNNPT, dự báo nhu cầu điện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang tương đối cao (kịch bản cơ sở tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021 - 2025 là 9,1%, giai đoạn 2026 - 2030 là 7,9%) sẽ dẫn đến yêu cầu đầu tư nguồn và đầu tư lưới điện truyền tải sẽ tăng cao so với nhu cầu thực tế.

Vì vậy, đơn vị này đã kiến nghị xem xét tốc độ tăng trưởng phụ tải phù hợp để có kịch bản cân đối cung cầu và nhu cầu đầu tư nguồn, lưới phù hợp với thực tế.

Cũng từ thực tế đầu tư hàng loạt dự án năng lượng tái tạo thời gian qua, EVNNPT đã đề nghị Quy hoạch điện cần bổ sung tiêu chí thiết kế lưới truyền tải điện cung cấp điện cho các tỉnh có nhu cầu giải toả nguồn năng lượng tái tạo.

Cụ thể là không nên yêu cầu thiết kế lưới đáp ứng cung cấp điện cho trường hợp N-1, gây lãng phí trong đầu tư.

Đây là điều cần lưu tâm bởi bản thân các đường dây truyền tải điện cho năng lượng tái tạo hiện chỉ vận hành với thời gian thấp. Cụ thể, điện mặt trời chỉ vận hành cỡ 1.800 - 2.500 giờ/năm (nếu không có hệ thống lưu trữ) hoặc 3.000 - 4.000 giờ/năm cho điện gió, là rất thấp so với mức hơn 8.700 giờ của năm.

Như vậy, ngay cả việc đầu tư đường truyền tải riêng cho điện gió, điện mặt trời đã đẩy chi phí sản xuất điện lên cao hơn so với các nguồn điện khác và nếu thêm tiêu chí N-1, tức là có dự phòng 1 đường dây khác để không gián đoạn khi có sự cố xảy ra thì càng tiếp tục đẩy chi phí sản xuất điện lên cao và nền kinh tế cũng như người dân sẽ phải gánh chịu cuối cùng.

Trên thực tế, việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.

Theo EVNNPT, cần xem xét quy hoạch phát triển nguồn điện với mục tiêu cân bằng cung cầu một cách tối đa trong nội vùng, nội miền để giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng, liên miền qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế- xã hội chung của đất nước và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như EVNNPT với mục đích giảm chi phí đầu tư và quản lý vận hành, giảm tổn thất điện năng, giảm quỹ đất giành cho phát triển lưới điện truyền tải.

Muốn đầu tư lớn

Trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng dự kiến giai đoạn 2021 - 2030 sẽ đầu đầu tư phát triển lưới điện truyền tải khá lớn với quy mô hàng năm là khoảng 1.300 km đường dây 500 kV, khoảng 2.100 km đường dây 220 kV, 8.600 MVA của trạm 500 kV, cỡ 9.600 MVA của trạm 220 kV. Ảnh Thành Vinh 

Nếu so với thực tế hiện nay khi hàng năm cũng chỉ đầu tư được trung bình khoảng 400 km đường dây 500 kV, khoảng 1.048 km đường dây 220 kV; khoảng 2.800 MVA của trạm biến áp 500 kV và khoảng 5.800 MVA trạm biến áp 220 kV thì có thể thấy rõ Dự thảo đang mơ những giấc mơ quá lớn và rất cần phải thực tế hơn.

Điều này là để tránh trường hợp như Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng đề ra đầu tư lưới điện truyền tải về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về giải tỏa công suất các nguồn điện và đáp ứng được tăng trưởng phụ tải để đảm bảo cung cấp điện nhưng kết quả thực hiện cũng chỉ đạt được tỷ lệ thấp so với dự kiến.  

“Cần rà soát kỹ về danh mục và tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải dự kiến đưa ra trong Quy hoạch điện VIII đưa ra, đặc biệt đối với lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện để phù hợp với thực tế và đảm bảo hiệu quả đầu tư”, là đề xuất của EVNNPT.

Để rút ngắn thời gian thực hiện, giảm thiểu các thủ tục, EVNNPT cũng đề xuất trong Quy hoạch Điện VIII cần kiến nghị Thủ Tướng cho phép có các cơ chế cụ thể như sau:
- Cho phép các Dự án được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VIII không phải phê duyệt chủ trương đầu tư khi triển khai thực hiện.
- Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án điện, có Quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch bố trí đất cho dự án điện theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt.
- Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích xây dựng công trình điện mà không phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng cho từng dự án (trong trường hợp đã được UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có dự án thỏa thuận địa điểm xây dựng, hướng tuyến đường dây; diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng trong hạn mức quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) đối với các dự án sẽ xây dựng theo Qui hoạch điện đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ/cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt.

“Động”, “linh hoạt” làm khó lưới truyền tải

Hiện tại trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra Danh mục các dự án nguồn điện có đa phần các nguồn điện, đặc biệt các trung tâm điện lực lớn (LNG, điện gió đất liền, điện gió ngoài khơi…) còn chưa xác định cụ thể (mới ở dạng tiềm năng).

Điều này cũng dẫn tới việc cân bằng công suất vùng miền và xác định lưới điện truyền tải liên miền, lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các trung tâm điện lực còn nhiều yếu tố bất định.

aaa
Khi không xác định rõ vị trí các nguồn điện thì việc đầu tư lưới truyền tải đi kèm sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai trên thực tế 

Với thời gian triển khai đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải (đặc biệt các dự án đường trục, kết nối vùng miền có quy mô mô lớn và đi qua nhiều tỉnh, địa phương) mất rất nhiều thời gian thì yếu tố “động”, “linh hoạt” như trên sẽ gây khó khăn và sức ép rất lớn đối với các đơn vị truyền tải có trách nhiệm đảm bảo an ninh của hệ thống như EVNNPT về mặt tiến độ khi triển khai các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ khi các dự án nguồn điện hoặc trung tâm điện lực được đưa vào kế hoạch triển khai sau này.

Cũng theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu sử dụng đất cho lưới điện đối với lưới truyền tải điện là 45.000 ha giai đoạn 2021 - 2030. Để tạo thuận tiện cho các đơn vị triển khai, EVNNPT cũng kiến nghị, nên bóc tách đất sử dụng cho năng lượng nói chung và đất sử dụng cho lưới truyền tải nói riêng trên từng tỉnh, thành.

Đồng thời đề nghị Thủ tướng giao các Tỉnh, thành phố căn cứ đất sử dụng cho mục đích năng lượng trong Quy hoạch điện VIII, để đưa vào Quy hoạch sử dụng đất của Tỉnh, thành phố và kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Điều này là để tránh tình trạng nhiều địa phương không có quỹ đất dành cho các công trình lưới điện truyền tải gây chậm trễ trong quá trình triển khai dự án.

Ngoài ra EVNNPT cũng mong muốn sẽ tăng cường các đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp để tiết kiệm quỹ đất đồng thời giảm thiểu khó khăn cho EVNNPT trong quá trình thỏa thuận tuyến tại địa phương.

Ủng hộ xã hội hóa nhưng cần rõ ranh giới

Trước thực tế ngày càng có nhiều doanh nghiệp mong muốn được xây dựng đường dây và trạm biến áp 500 kV - là công trình cấp 1, thuộc diện quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, EVNNPT cũng cho rằng, nên xã hội hóa đầu tư đối với các công trình lưới điện truyền tải phục vụ thu gom, đấu nối các nhà máy điện và cụm các nhà máy điện.

Các lưới điện truyền tải do các chủ đầu tư ngoài EVN đầu tư sẽ là tài sản của các chủ đầu tư, không bàn giao tài sản cho EVN/EVNNPT. Việc quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải sẽ do EVNNPT chịu trách nhiệm quản lý vận hành. Trong đó EVNNPT sẽ ký hợp đồng vận hành thuê cho các chủ đầu tư đối với các công trình lưới điện truyền tải bên ngoài EVN đầu tư.

Còn với các công trình lưới điện truyền tải quốc gia (bao gồm lưới điện truyền tải đường trục, kết nối liên miền, liên vùng, phục vụ cấp điện cho phụ tải) sẽ do EVN/EVNNPT chịu trách nhiệm đầu tư.

Cũng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, việc giao trách nhiệm đầu tư các dự án lưới điện truyền tải trên mạch xương sống cần có chủ trương rõ trong quá trình thực thiện Quy hoạch Điện VIII và xác định rõ vai trò của EVN/EVNNPT trong thực hiện độc quyền đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải xương sống, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Căng thẳng 4 dự án truyền tải điện phía Nam
Hiện chỉ có duy nhất Trạm biến áp 500 kV Mỹ Tho là đã giải phóng xong mặt bằng và kiểm soát được tiến độ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư