Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 04 năm 2025,
Giải bài toán thiếu nhân lực trí tuệ nhân tạo
Tú Ân - 01/12/2024 12:36
 
Việt Nam đang nỗ lực giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI), hướng đến mục tiêu 1 triệu kỹ sư AI.

Lương cao vẫn khó tuyển

Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên đến 79,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Sự phát triển nhanh chóng của AI, cùng với việc đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này, đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ AI toàn cầu. Tuy nhiên, ngành AI tại Việt Nam đối mặt với thách thức lớn về thiếu hụt nhân lực.

Báo cáo thị trường IT Việt Nam 2024 - 2025 của nền tảng tuyển dụng TopDev cho thấy, ngành công nghệ tại Việt Nam cần thêm ít nhất 500.000 lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường vào năm 2025. Thị trường vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, đặc biệt ở các vị trí chuyên sâu.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó giám đốc khu vực phía Bắc của Navigos Search cho biết, ở Việt Nam, mức lương trung bình của kỹ sư AI là 4.000 - 5.000 USD/tháng (110 - 127 triệu đồng). Thậm chí, có những nhân sự được trả tới mức 10.000 USD/tháng (hơn 254 triệu đồng) hoặc cao hơn, tùy theo năng lực và kinh nghiệm làm việc.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc FPT, kiêm Tổng giám đốc FPT Software, các kỹ sư AI và Data tại FPT có thể có mức thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào năng lực và hiệu quả công việc. “FPT không giới hạn mức lương trần. Điều này cho phép các kỹ sư giỏi tạo ra những sản phẩm giá trị và tăng thu nhập của chính họ. Thậm chí, trong một số trường hợp, mức lương của kỹ sư AI và Data tại FPT cao hơn lương của Tổng giám đốc”, ông Tuấn nói.

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết, nước ta hiện có khoảng 700 người làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực AI, trong đó chỉ có 300 chuyên gia - con số rất nhỏ so với nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam.

Google cũng nhận định, Việt Nam đang đối mặt với thiếu hụt nhân sự và chuyên gia AI - một thách thức lớn, cần sớm được giải quyết. Bên cạnh đó, các start-up về công nghệ AI tại Việt Nam đối mặt những thách thức khác, như thiếu cơ hội tiếp cận các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về AI để đánh giá, thẩm định sản phẩm AI phù hợp với nhu cầu của thị trường; thiếu cơ hội tiếp cận các hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp. Đây là những yếu tố thiết yếu cho việc phát triển, thương mại hóa và mở rộng quy mô sản phẩm AI ra thị trường.

“Việt Nam cần đầu tư hạ tầng và đổi mới sáng tạo, xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho AI, thúc đẩy việc áp dụng và tiếp cận cho mọi người”, ông Marc Woo, Giám đốc điều hành Google phụ trách thị trường Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương khuyến nghị.

Hướng tới mục tiêu 1 triệu kỹ sư AI

Việt Nam đang chạy đua với thời gian để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ, đưa Việt Nam trở thành cường quốc AI. Nguồn nhân lực chính là chướng ngại vật mà Việt Nam phải vượt qua.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ, FPT đang nuôi một giấc mơ Việt Nam trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực và Việt Nam sẽ có 3-5% dân số làm trong lĩnh vực AI.

Các chuyên gia dự báo, AI sẽ đóng góp 15.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, giúp năng suất lao động tăng 40% vào năm 2035. Tại Việt Nam, AI được kỳ vọng đóng góp 150- 200 tỷ USD vào GDP năm 2030.

FPT cho biết, trong 10 năm tới, thị trường sẽ cần khoảng 3 triệu kỹ sư công nghệ và mục tiêu của FPT là đóng góp khoảng 1 triệu kỹ sư. Tập đoàn này đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo tại các trường, phân hiệu của FPT ở các tỉnh, thành phố. FPT cũng đưa AI vào đào tạo cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và bậc cao đẳng, đại học. Đơn vị đào tạo AI từ sớm, đào tạo về học máy, cung cấp kiến thức từ chuyên gia thông qua rất nhiều hoạt động

“Việt Nam đã có 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông Jensen Huang, Chủ tịch NVDIA nói rằng, nếu Việt Nam đào tạo được 1 triệu kỹ sư về AI, thì Việt Nam sẽ đứng đầu tiên trên thế giới trong tốp nước phát triển”, ông Bình chia sẻ.

Chính phủ nhận thức rõ tầm quan trọng của AI và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050”, trong đó đề xuất mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp AI, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI, với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI.

Còn ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC đề xuất, Chính phủ cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi AI dài hạn, tiến tới xây dựng Chính phủ AI. Đối với việc đào tạo và phát triển nhân lực AI, cần đưa AI vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, từ phổ thông đến đại học, nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho thế hệ trẻ.

Để giải bài toán nhân lực AI, các chuyên gia khuyến nghị, cần định hướng phân bổ hợp lý nội dung đào tạo giữa các cấp học, tăng cường ứng dụng AI trong đào tạo, giúp học sinh, sinh viên nhanh chóng hội nhập trong công tác đào tạo công nghệ thông tin. Cần có nhiều mô hình đào tạo mới, doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, hợp tác quốc tế…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư