Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Giải pháp toàn diện hướng đến nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam
Hoàng Anh - 11/11/2021 16:14
 
Khả năng tiếp cận và kỹ năng sử dụng công nghệ là yếu tố then chốt mà Việt Nam cần chú trọng để đạt được các mục tiêu về bao trùm tài chính. Đại diện Mastercard khu vực Đông Nam Á đã có chia sẻ về vấn đề này.
Ông Safdar Khan, Chủ tịch phụ trách các Thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á của Mastercard

Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các sáng kiến thúc đẩy CMCN 4.0 giúp hình thành nền kinh tế kỹ thuật số. Theo quan sát của ông, nền kinh tế số của Việt Nam đang gặp phải trở ngại nào để trở nên bao trùm hơn? Và làm cách nào để tháo gỡ thách thức này?

Được ví như “con rồng đang chuyển mình”, nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam đang đạt được nhiều kết quả tăng trưởng ấn tượng. Năm 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia có nền kinh tế kỹ thuật số dẫn đầu về tăng trưởng tại Đông Nam Á, với doanh thu từ TMĐT đạt 11,8 tỷ USD.

Bất chấp những con số đáng kể này, tiền mặt vẫn tiếp tục là lựa chọn ưu tiên của nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệptại Việt Nam, đặc biệt với giao dịch hàng ngày. Điều này phản ảnh thực trạng thiếu nhận thức về cách thức hoạt động và cách sử dụng thanh toán kỹ thuật số, và gây ra nhiều tác động về tài chính và xã hội.

Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào tiền mặt, các tổ chức, đơn vị cần chung tay, chia sẻ, tận dụng kiến thức và công nghệ, nhằm thay đổi thói quen và thái độ người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại nhiều lựa chọn bình đẳng hơn trong phương thức thanh toán.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đảm bảo việc mọi cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính. Ông nhận định về vai trò của các doanh nghiệp này trong việc quốc gia đạt được thành tự về nền kinh tế kỹ thuật số bao trùm như thế nào?

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa số hóa, tận dụng phương tiện truyền thông xã hội và sử dụng công nghệ để cải thiện các cơ hội TMĐT trong nước và xuyên biên giới, sẽ khiến nhân viên, khách hàng và cộng đồng của họ trở nên thông thạo kỹ thuật số hơn.

Nghiên cứu của Mastercard cho thấy 94% người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán mới nổi, chẳng hạn như mã QR, ví điện tử hoặc điện thoại di động… trong năm tới. Bằng cách triển khai các hình thức tùy chọn thanh toán kỹ thuật số khác nhau, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo ra nhiều “sự lựa chọn” và tính “linh hoạt” cao cho khách hàng thông qua phương thức thanh toán dễ dàng truy cập và sử dụng.

Chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành tài chính ngân hàng có thể làm gì để các sản phẩm và dịch vụ tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn? Xin ông chia sẻ về những hoạt động hiện tại của Mastercard cũng như kế hoạch trong tương lai để hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số bao trùm?

Chính phủ và ngành tài chính, đặc biệt là ngân hàng và fintech, đóng một vai trò quan trọng trong việc mang đến các sáng kiến cho phép mọi người trở thành những người tham gia tích cực vào nền kinh tế kỹ thuật số. Một số giải pháp nền tảng giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt gồm: hệ thống ID quốc gia hỗ trợ thanh toán - cung cấp quyền tiếp cận tài chính toàn dân; các công nghệ chấp nhận thanh toán điện tử mới có chi phí thấp, dễ dàng sử dụng; phổ cập Internet cho phép quyền truy cập bình đẳng vào các dịch vụ thiết yếu, tận dụng cơ hội kinh tế; và nâng cao nhận thức về tính an toàn, bảo mật và sự tiện lợi của việc không dùng tiền mặt.

Mastercard là một công ty công nghệ quốc tế trong lĩnh vực thanh toán, mang sứ mệnh kết nối và cung cấp một nền kinh tế kỹ thuật số bao trùm cho người dùng trên toàn thế giới qua các giao dịch an toàn, đơn giản, thông minh và dễ tiếp cận. Chúng tôi luôn tích cực làm việc với những tổ chức đầu ngành trong lĩnh vực công tư, nhằm mang đến các giải pháp công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệpnhỏ chuyển đối số, nâng cao nguồn nhân lực, và cung cấp các lựa chọn thanh toán kỹ thuật số liền mạch, an toàn, giúp thúc đẩy một xã hội toàn diện về tài chính và kỹ thuật số.

Gần đây nhất, Mastercard và Grab công bố mối quan hệ đối tác trong khu vực nhằm thúc đẩy nền tài chính và kỹ thuật số trong khu vực Đông Nam Á, cung cấp cho hàng triệu người lao động không chính thức và các doanh nghiệp nhỏ trên nền tảng Grab cơ hội nâng cao kỹ năng liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật số để gia tăng thu nhập.

Mastercard đầu tư vào startup Digiasia
Startup trong lĩnh vực fintech Digiasia sẽ nhận được khoản đầu tư của Mastercard trong vòng gọi vốn series B.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư