Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Giám đốc WB đề xuất mô hình tăng trưởng Đổi mới 4.0 cho Việt Nam
Khánh Linh - 20/03/2019 19:53
 
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần thêm một cuộc Đổi mới nữa để trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tại Hội thảo Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030  và tầm nhìn đến 2045

Đổi mới 4.0

“Tôi muốn gọi đó là “Đổi mới 4.0”, ông Ousmane Dione đã gọi tên mô hình tăng trưởng mới mà các chuyên gia WB đang muốn tư vấn cho Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc Hội thảo Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030  và tầm nhìn đến 2045, ông Oussmane  nói, hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Nhưng quan trọng là những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Tác động của những cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới hạn.

“Việc điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng mang tính cấp thiết nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045”, ông Ousmane nhấn mạnh.

Để đạt được khát vọng này, nền kinh tế cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới, tăng trưởng trung bình ít nhất phải bằng mức trong 30 năm qua. Và mục tiêu này phải đạt được trong một bối cảnh đầy thách thức.

Ở trong nước, Việt Nam đang phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tác động của tích lũy nhân tố giảm, cũng như chi phí môi trường ngày càng lớn trong quá trình phát triển.

Trên thế giới, Việt Nam sẽ phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh đang thay đổi, những chuyển đổi về mô hình thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ ít thuận lợi hơn cho sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới, buộc Việt Nam phải điều chỉnh, thay đổi mô hình tăng trưởng.

Chính vì vậy, để thành công, các câu hỏi mà Việt Nam sẽ phải trả lời trong mô hình Đổi mới 4.0 này thực sự lớn.

Đó là cần thực hiện những điều chỉnh và – nếu cần thiết – những thay đổi nào?

Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với khu vực FDI mạnh mẽ có còn phù hợp không? Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào những nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng bền vững – bao gồm cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực – như thế nào?

Làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước để khu vực này có thể nhân tố chủ lực dẫn dắt việc đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng trưởng?

Làm thế nào để có thể tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế thị trường để hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn?

Hai nhân tố quyết định thành công

Nhưng dù các câu trả lời thế nào, thì ông Ousmane cho rằng, có hai nhân tố quan trọng quyết định thành công trong tương lai của Việt Nam. Một là, chất lượng. Hai là, thực hiện.

Các mô phỏng ban đầu cho thấy, Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, trong đó tốc độ tăng năng suất trung bình cần phải tăng mạnh, nhưng thành tựu này cho đến nay cũng chỉ một số ít nước đã đạt được.

Để tăng năng suất, cần cải thiện mạnh mẽ tất cả các khía cạnh chất lượng của tăng trưởng, bao gồm phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng vốn nhân lực, tăng đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, cũng như đổi mới và sáng tạo, để tất cả đều mang lại kết quả tăng năng suất.

Để đổi mới sáng tạo hiệu quả, cần có một chương trình cải cách cởi mở và có lộ trình hợp lý, và các quốc gia ở giai đoạn phát triển khác nhau có những ưu tiên khác nhau trong đổi mới sáng tạo.

“Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi lớn từ chuyển giao và áp dụng công nghệ, và doanh nghiệp cần phải được đặt tại vị trí trung tâm của nghị trình đổi mới sáng tạo. Đối với Việt Nam hiện nay, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở cấp doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn những biện pháp được điều khiển bởi cung phổ biến như tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hoặc tập trung vào các hoạt động phát minh, sáng chế”, ông Ousmane thẳng thắn.

Liên quan đến yêu cầu về thực hiện, theo Giám đốc WB tại Việt Nam, những thách thức trong quá trình phát triển hiện nay của Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với 30 năm qua. Một phần của sự phức tạp này bắt nguồn từ thực tế là các vấn đề phát triển đang ngày càng trở nên đa ngành. Giảm nghèo không chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống kinh tế, mà còn cải thiện các dịch vụ cơ bản và phát triển nguồn vốn nhân lực.

Tương tự như vậy, phát triển vốn nhân lực không chỉ là về giáo dục, mà còn là về chăm sóc y tế trải suốt vòng đời của người dân cũng như chăm sóc người cao tuổi và bảo trợ xã hội. Bản chất của phát triển liên vùng và phát triển khu vực tư nhân cũng mang tính đa ngành.

“Để giải quyết các vấn đề phức tạp này, cần có sự lãnh đạo và quyết tâm mạnh mẽ. Đồng thời, cần có hệ thống quản trị hiệu quả và phát triển, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng cả theo chiều ngang giữa các bộ ngành trong chính phủ và theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ để giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược”, ông Ousmane Dione nói.

Lập Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng
Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư