Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giảm hơn nữa tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán
Minh Nhung - 15/04/2022 08:10
 
Tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán là chỉ tiêu rất quan trọng. Giảm hơn nữa tỷ trọng này xuất phát từ vai trò của nó, từ mục tiêu của Chính phủ, từ thực tiễn hiện nay.

Sự cần thiết

Giảm tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán có vai trò quan trọng trên nhiều mặt.  Rộng và sâu xa nhất là góp phần kiềm chế lạm phát, bởi lạm phát gắn nhiều đến tiền (quan hệ tiền - hàng), trong điều kiện lạm phát đang là thách thức lớn của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Rộng không kém và rõ nhất là tạo điều kiện thuận tiện trong quan hệ thanh toán (mua, cho vay, trả nợ, cất trữ...). Về mặt kỹ thuật, góp phần giảm chi phí in ấn, phát hành tiền, giảm bớt/khắc phục tiền giả, giảm thời gian thanh toán, hạn chế sự hao hụt thất thoát tiền...

Mục tiêu theo Quyết định 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở dưới 10%.

Thực tiễn, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán (theo Niên giám Thống kê) qua các năm gần đây như sau: năm 2015 là 12,07%, năm 2016 là 11,42%, năm 2017 là 11,93%, năm 2018 là 11,78%, năm 2019 là 11,33%, năm 2020 là 11,05%, ước tính năm 2021 là 11,45%.

Quý I/2022, tốc độ tăng so với cuối năm 2021 của tổng phương tiện thanh toán cao hơn tốc độ tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (2,49% so với 2,15%). Điều đó sẽ làm cho tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục cao lên. Tỷ trọng này chưa đạt được mục tiêu, mặc dù sau 5 năm khi đã có quyết định của Thủ tướng và khi đã có chủ trương về kinh tế số, mà kinh tế số trong ngành ngân hàng, trong thanh toán là một trọng điểm.

Về quy mô tuyệt đối, lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng theo Niên giám Thống kê qua các năm tăng lên: năm 2016 là 851.400 tỷ đồng, năm 2017 là 977.900 tỷ đồng, năm 2018 là 1.085.000 tỷ đồng, năm 2019 là 1.198.100 tỷ đồng, năm 2020 là 1.337.900 tỷ đồng, năm 2021 là 1.510.200 tỷ đồng. Năm 2021 cao gấp 2 lần so với năm 2015.

Ngoài việc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số là một nội dung quan trọng, trong điều kiện có nghị quyết của Quốc hội về gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, trước các áp lực do đại dịch Covid-19, do lạm phát toàn cầu, do chiến sự Nga - Ukraine cùng những hiệu ứng về tài chính, tiền tệ và kinh tế của sự kiện này, thì việc giảm hơn nữa tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán là rất cấp thiết.

Các giải pháp chủ yếu

Trước hết, cần nhận diện nguyên nhân chủ yếu cản trở sự giảm xuống của tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán thời gian qua và có thể xảy ra trong thời gian tới.

Rõ nhất là thói quen dùng tiền mặt của phần lớn người dân. Thói quen này còn lớn hơn ở nhiều khu vực (nông thôn, vùng sâu, vùng xa), ở nhiều đối tượng, nhất là người lớn tuổi, người không có hoặc chưa biết sử dụng các phương tiện điện tử, ở nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...

Một nguyên nhân quan trọng là việc thanh toán điện tử hiện còn hạn chế, với những bất lợi đối với các cửa hàng, siêu thị, thương nhân khi áp dụng thanh toán thẻ. Đó là họ phải trả phí cho công ty phát hành thẻ và khoản phí này không được tính vào giá bán, làm ảnh hưởng đến doanh thu. Để thanh toán thẻ, phải đầu tư hình thức đọc thẻ (POS) tốn kém và phải đầu tư kết nối với ngân hàng, nên các cơ sở trên không muốn có khoản phí này.

Việc thanh toán điện tử trong thương mại còn thấp, do văn hóa bán hàng đúng như quảng cáo chưa thực hiện tốt; lòng tin giữa các đối tác mua bán với nhau chưa cao.

Việc triển khai thanh toán điện tử trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn rất khiêm tốn, trong khi 2 lĩnh vực này liên quan đến nhiều người và có tính lan tỏa.

Một nguyên nhân quan trọng là khâu bảo mật, an toàn mạng, thẻ còn có những sơ hở, dễ bị lợi dụng.

Giải pháp thứ 2 là hạn chế, khắc phục các nguyên nhân trên, xây dựng, phát triển và phổ cập kinh tế số cho các chủ thể trên thị trường trong các lĩnh vực thanh toán thương mại, dịch vụ không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết của việc thanh toán không dùng tiền mặt để các chủ thể trên thị trường chuyển thói quen dùng tiền mặt sang thói quen không dùng tiền mặt.

Cải thiện dịch vụ thẻ ngân hàng, trước mắt có thể không thu phí hoặc giảm thiểu phí phát hành thẻ, phí đọc thẻ, vì thanh toán không dùng tiền mặt cũng có lợi cho ngân hàng.

Bảo đảm an toàn cho người mua, người bán trong bảo quản, thanh toán thẻ điện tử và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư