Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 11 tháng 11 năm 2024,
Giám sát, phản biện thực chất để kiểm soát quyền lực
Nguyễn Lê - 06/07/2023 13:47
 
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 năm 2017 về hoạt động giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã diễn ra sáng nay, 6/7.
.
Giáo sư Trần Ngọc Đường phát biểu tại Hội nghị. 

Theo giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nếu giám sát, phản biện thực chất thì đây là kênh cực tốt để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Quan điểm này được ông Đường nêu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 năm 2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hoạt động giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết 403), sáng 6/7.

Theo báo cáo sơ kết được Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo báo cáo, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát. Chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế, chưa có nhiều kiến nghị sau giám sát hoặc ít giám sát kết quả khắc phục sau kiến nghị, giám sát...

Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao.

“Trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện, ở một số địa phương lãnh đạo MTTQ Việt Nam chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”, bà Ánh nêu rõ.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến nhữnbg hạn chế này, bà Ánh chỉ rõ nhiều quy định của Luật MTTQ Việt Nam còn chung chung, định tính, chưa đủ cụ thể để triển khai thực hiện được ngay trong thực tế mà cần phải có hướng dẫn, giải thích. Nhiều quy định không mang tính bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước, nhất là trong việc tiếp thu, xem xét giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận nên hiệu lực thi hành chưa cao.

Về giải pháp, bà Ánh kiến nghị nghiên cứu mở rộng vai trò của MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội xuyên suốt trong quy trình xây dựng pháp luật, từ khi lập đề nghị xây dựng dự án, dự thảo đề xuất đưa vào Chương trình đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Theo đó, ngoài việc có văn bản phản biện xã hội chính thức ở giai đoạn cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về dự án luật thì MTTQ Việt Nam có thể có ý kiến phản biện xã hội cả ở các giai đoạn khác của quy trình xây dựng, ban hành luật.

Cần nghiên cứu để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật  MTTQ Việt Nam một cách toàn diện, theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng phạm vi điều chỉnh Luật, nhất là quy định về phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản của tổ chức Đảng. Đồng thời, nghiên cứu có những quy định cụ thể hơn về các hình thức giám sát, hình thức phản biện xã hội; cơ chế, chính sách, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cả chủ thể và đối tượng giám sát, phản biện xã hội; tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam và các điều kiện bảo đảm thực hiện, bà Ánh đề nghị.

Phát biểu tham luận, ông Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, nếu giám sát, phản biện trong giai đoạn dự thảo thì có thể chưa hiệu quả. Vì thế cần đề xuất làm sao để việc tham gia giám sát, phản biện tham gia toàn bộ quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Có thể giám sát phản biện chính ở giai đoạn dự thảo nhưng sau dự thảo thì Mặt trận Tổ quốc các cấp có thể tham gia ở các cấp khác như thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý.

Ông Thành cũng đề nghị hoạt động giám sát của MTTQ các cấp tập trung giám sát vướng mắc thể chế, trong xây dựng văn bản pháp luật cũng như đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cụ trong trong xây dựng pháp luật.

Cho rằng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nói chung là nhân dân được đưa thành luật thì việc giám sát sẽ hiệu quả hơn, Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành luật.

Cần quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát, bà Yến nêu.

Giáo sư Trần Ngọc Đường cũng đề nghị MTTQ cần sớm có sáng kiến lập pháp trình Quốc hội xây dựng luật về hoạt động giám sát của nhân dân.

Ông Đường cho rằng, vai trò giám sát, phản biện xã hội hết sức lớn nhưng hiện nay mới chỉ tập trung giám sát, phản biện qua các tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, trong luật này cần quy định không chỉ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội mà còn của nhân dân, các chuyên gia… sẽ bao quát đầy đủ hơn các chủ thể không mang quyền lực nhà nước tham gia giám sát hoạt động của nhà nước.

Công tác giám sát, phản biện xã hội 5 năm qua có nhiều đổi mới và hiệu quả, song vẫn còn tình trạng “dân chủ hình thức. Nếu giám sát phản biện thực chất thì đây là kênh cực tốt để kiểm soát quyền lực nhà nước", ông Đường phát biểu tại hội nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư