Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giám sát tài chính phải như...dự báo thời tiết
Mạnh Bôn - 28/08/2013 15:17
 
Chưa từng rơi vào khủng hoảng tài chính như nhiều nước trên thế giới, song theo các chuyên gia tham dự Hội thảo “Tăng cường giám sát tài chính quốc gia” vừa được Bộ Tài chính tổ chức, điều đó không có nghĩa là hệ thống giám sát tài chính (GSTC) của Việt Nam hoạt động hiệu quả mà hoàn toàn ngược lại. >>> Rủi ro nằm ngay trong chính sách >>> Đề nghị truy tố “Bầu” Kiên và 6 cựu lãnh đạo ACB

Hệ thống GSTC quốc gia của Việt Nam có thể nói là khá dày đặc. Giám sát thị trường tiền tệ thì có Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi; giám sát thị trường chứng khoán có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE và HNX; Giám sát thị trường bảo hiểm thì có Cục quản lý, giám sát bảo hiểm. Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ còn có cả một cơ quan giám sát tổng thể thị trường tài chính là Ủy ban GSTC quốc gia.

Các tổ chức tín dụng vẫn lách cả quy định về tiền gửi, tiền vay, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản lẫn biến báo trong trích lập dự phòng rủi ro

Nhưng hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan kể trên, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nhân lực Vietinbank là vẫn bị "qua mặt".

“Các tổ chức tín dụng vẫn lách cả quy định về tiền gửi, tiền vay, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản lẫn biến báo trong trích lập dự phòng rủi ro. Công ty cổ phần đầu tư tài chính hoạt động như một quỹ đầu tư nhưng không bị ràng buộc bởi bất cứ pháp luật chuyên ngành nào cũng như không bị bất cứ cơ quan thanh tra, giám sát thị trường tài chính nào… để mắt tới”, bà Mùi dẫn chứng.

Hiệu quả của công tác GSTC - theo bà Mùi - cao ở mức, tại Việt Nam, ở thời điểm nào cũng có tới 4 tỷ lệ nợ xấu do 4 cơ quan đưa ra: Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Ủy ban GSTC quốc gia và các tổ chức tài chính - ngân hàng quốc tế.

“Điều đáng nói là 4 tỷ lệ nợ xấu này có độ vênh nhau rất lớn. Trong khi giá cổ phiếu nào đó tăng hay giảm không phụ thuộc vào hoạt động của công ty niêm yết hoạt động tốt hay đang có vấn đề”, bà Mùi nhấn mạnh.

“Từ vụ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) “làm mưa làm gió” trên thị trường tiền tệ đến vụ tin đồn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV bị bắt hay vụ Tổng giám đốc ACB bỏ trốn cách đây 10 năm cho thấy, công tác giám sát thị trường tài chính Việt Nam rất yếu”, TS. Lê Hải Mơ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá.

Không chỉ có thị trường tài chính, mà ở mọi lĩnh vực, theo ông Mơ, công tác giám sát cũng vô cùng yếu: “Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành tràn lan, trả lương cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp vô tội vạ; đầu tư của khu vực nhà nước thất thoát, lãng phí “tràn cung mây” nhưng khi các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện thì mọi việc… đã rồi”, ông Mơ nói.

Vì sao mà công tác GSTC của Việt Nam lại yếu đến mức như vậy?

Theo bà Mùi, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động giám sát thị trường tài chính bị “cắt vụn”, lĩnh vực quản lý nhà nước (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) của cơ quan nào thì cơ quan ấy thực hiện giám sát. Trong khi Ủy ban GSTC quốc gia thực hiện chức năng giám sát chung nhưng trên thực tế cũng chỉ là cơ quan tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giám sát thông qua… báo cáo của các cơ quan được giám sát gửi đến”.

“Bên cạnh lỗ hổng pháp lý về hoạt động giám sát, hiệu quả giám sát thấp còn có nguyên nhân nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ này có thể nói là rất yếu. Đáng lý ra, nhân lực thực hiện giám sát phải hơn nhân lực tại các doanh nghiêp, ngân hàng “một cái đầu”, ít nhất thì cũng phải bằng, nhưng trên thực tế thì trình độ, kinh nghiệm nhân lực giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu này”, bà Mùi nhận định.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên nhân của hiệu quả GSTC quốc gia không cao là do chức năng của cơ quan giám sát rất ít.

“Thị trường tiền tệ - chứng khoán - bảo hiểm có mối liên thông với nhau, vì vậy, trên thế giới nhiều nước cho phép cơ quan giám sát được quyền thanh tra, điều tra, truy vấn tài khoản của nhà đầu tư khi có nghi ngờ gian lận. Còn tại Việt Nam, Luật Thanh tra không cho phép cơ quan thanh tra chuyên ngành được điều tra mà chỉ có quyền đề xuất, kiến nghị cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện điều tra đã hạn chế hiệu quả thanh tra, giám sát thị trường tài chính”, ông Sơn phát biểu.

Không chỉ ở Việt Nam mà xu hướng chung trên thế giới, thị trường tài chính ngày càng trở lên phức tạp. Vì vậy, theo PGS. TS Bùi Thiên Sơn (Học viện Tài chính), để giảm thiểu rủi ro của thị trường tài chính, giảm thiểu sự tác động tiêu cực lẫn nhau giữa thị trường tiền tệ - chứng khoán - bảo hiểm cần phải xây dựng một hệ thống giám sát, dự báo, cảnh báo trước, tương tự như cơ quan dự báo thời tiết.

Từ những tiêu cực trên thị trường tài chính bị phát hiện gần đây, theo nhận định của ông Sơn, cơ quan giám sát thị trường tài chính… toàn chạy theo diễn biến của thị trường, xử lý sự việc đã xảy ra.

“Xử lý sự việc đã xảy ra là việc phải làm, quan trọng hơn, các cơ quan GSTC quốc gia phải hoạt động như cơ quan dự báo thời tiết, tức là phải đưa ra cảnh báo sớm các kịch bản rủi ro có thể xảy ra trên thị trường tài chính và tương ứng với mỗi kịch bản phải có nhiều phương án đối phó”, ông Sơn đề xuất.

Đề nghị truy tố “Bầu” Kiên và 6 cựu lãnh đạo ACB
Ngày 8/8, Viện KSND Tối cao cho biết đã nhận được hồ sơ vụ án và kết luận điều tra vụ án “Bầu Kiên và đồng phạm”.  
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư