Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gió đổi chiều, nhập siêu quay trở lại
Hà Nguyễn - 04/06/2021 09:27
 
Sau một thời gian dài xuất siêu, Việt Nam đã nhập siêu trở lại, với 369 triệu USD sau 5 tháng đầu năm 2021.
.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thay vì thặng dư, thì đang ước thâm hụt gần 370 triệu USD

Nhập siêu quay trở lại

Nói một cách chính xác, nhập siêu đã quay trở lại từ tháng 4/2021. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, nền kinh tế đã nhập siêu tới 1,23 tỷ USD. Tuy nhiên, do mức xuất siêu 3 tháng đầu năm khá lớn, nên tính chung 4 tháng, Việt Nam vẫn xuất siêu 1,63 tỷ USD.

Sang tháng 5/2021, ước tính nền kinh tế nhập siêu 2 tỷ USD, do đó tính chung 5 tháng đầu năm, nhập siêu 369 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.

Như vậy là “gió đã đổi chiều”, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thay vì thặng dư, thì đang ước thâm hụt gần 370 triệu USD. Trong khi 5 tháng đầu năm ngoái, Việt Nam xuất siêu tới 3,54 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang EU 9,4 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 23,2 tỷ USD, tăng 87,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 12 tỷ USD, tăng 23,1%; nhập siêu từ ASEAN 6,6 tỷ USD, tăng 171,6%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 37,6 tỷ USD; còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với kim ngạch 43,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc các mặt hàng máy móc, thiết bị, các loại nguyên phụ liệu dệt may, da giày, hóa chất, thủy sản, sắt thép, linh kiện điện tử…

“Mức nhập siêu không lớn, hơn nữa nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu, thì con số này không đáng lo, thậm chí là đáng mừng”, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân đã nói với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.

Trên thực tế, khi công bố số liệu thống kê về kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn đạt tỷ trọng cao, với 93,8%, ước tính đạt 123,15 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 58,8 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 44,8% (giảm 1,1 điểm phần trăm). Nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 64,35 tỷ USD, tăng 40,5% và chiếm 49% (tăng 1,4 điểm phần trăm). Còn nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 8,16 tỷ USD, tăng 29,5% và chiếm 6,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm).

“Có nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao thì mới có xuất siêu cao trong thời gian qua. Điều này cũng đã mang tới những kỳ vọng về sự hồi phục của sản xuất công nghiệp trong thời gian tới”, ông Lê Đình Ân nói.

Việc Việt Nam xuất siêu lớn trong thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bên cạnh niềm vui, thì cũng có nỗi lo rằng, xuất siêu cao là vì sản xuất sụt giảm, khiến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng thấp. Bởi thế, vào thời điểm hiện nay, nhập siêu chưa hẳn là điều đáng lo. Ngay cả việc nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng tăng cao cũng được cho là tín hiệu tốt, bởi như thế nghĩa là cầu trong nước đang dần hồi phục.

Thị trường nhập siêu chính vẫn là Trung Quốc

Cùng thời điểm Tổng cục Thống kê công bố những số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021, IHS Markit cũng công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5/2021 của Việt Nam, đạt 53,1 điểm. Dù con số này giảm so với mức 54,7 điểm của tháng 4 và 53,6 điểm của tháng 3, song vẫn cho thấy mức cải thiện tốt.

IHS Markit cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã tăng mạnh khi một số thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi từ đại dịch Covid-19.

PMI tăng cao trùng với thời điểm Việt Nam tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất. Điều này càng góp phần củng cố thêm nhận định rằng, nhập siêu ở thời điểm này chưa phải là điều đáng lo.

Tuy vậy, có một điểm đáng chú ý trong số liệu của Tổng cục Thống kê, đó là Việt Nam đang nhập siêu quá lớn từ thị trường Trung Quốc. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 23,2 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 16,3 tỷ USD. Con số của 5 tháng đầu năm 2020 là 12,4 tỷ USD.

Thực tế, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nhập siêu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm ngoái tới nay, tốc độ nhập siêu từ thị trường này tăng rất nhanh.

Điều này, theo ông Lê Đình Ân, là dễ hiểu. Bởi dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các nền kinh tế Mỹ - Âu bị ảnh hưởng nặng, chỉ có Trung Quốc sớm hồi phục sản xuất và chuỗi cung ứng. Tăng nhập khẩu từ Trung Quốc là giải pháp khó tránh.

Ở một góc độ khác, theo các chuyên gia, nhiều khả năng xu hướng nhập siêu của nền kinh tế sẽ không duy trì lâu. Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, “những thách thức liên quan đến đại dịch Covid-19 đã trở lại với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam”, khi một đợt bùng phát mới của đại dịch đã cản trở hoạt động sản xuất.

Khi hoạt động sản xuất bị cản trở, thì trong thời gian tới, có thể, nhập khẩu sẽ tăng chậm hơn, bao gồm cả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.

Việt Nam tiếp tục nhập siêu lớn từ Trung Quốc
Kết thúc năm 2020, thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tăng gần 14%, đạt 133 tỷ USD, trong đó nhập siêu của Việt Nam là 35,2 tỷ USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư