Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
“Giữ dân là vấn đề khó nhất với Cà Mau”
Hồng Phúc - 15/03/2021 08:18
 
Lực lượng lao động toàn tỉnh Cà Mau có hơn 600.000 người nhưng 1/3 trong số này đang làm việc ngoại tỉnh.

Giữ đất, giữ nước và giữ người là ba thách thức lớn với Cà Mau.

Trong khi giữ đất tức là chống sạt lở, không để mất đất ven biển, ven sông; giữ nước là quản lý có nguồn nước ngọt có hiệu quả và các vấn đề chống xâm nhập mặn thì giữ người là giải quyết tình trạng di dân, di cư, khi nhiều người Cà Mau đi làm việc ở các tỉnh bên ngoài. 

“Giữ dân là vấn đề khó nhất với Cà Mau. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1,2 triệu dân. Trong đó, lực lượng lao động hơn 600.000 người nhưng có đến 200.000 người đang làm việc ở ngoại tỉnh. Về lâu dài, khi phát triển được kinh tế thì mới giữ được dân. Còn trong ngắn hạn, cần quan tâm đến giáo dục đào tạo”, giáo sư Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói tại Hội nghị lần ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức sáng nay, tại Cần Thơ.  

.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP).



Còn về vấn đề giữ đất, Cà Mau là tỉnh duy nhất ở vùng ĐBSCL có ba bề giáp biển, chiều dài bờ biển khoảng 254 km nhưng trong đó, có 150 km bị sạt lở và sạt lở nghiêm trọng. Chủ tịch tỉnh Cà Mau cho biết, bình quân hàng năm, tình này mất từ 400-500 hecta đất sạt lở. 

Việc giữ đất đi liền với việc giữ rừng nhưng trước tình trạng nước biển dâng, phù sa ít nên rừng phòng hộ ven biển ở Cà Mau cũng đang mất dần,…

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng, với tiến độ và tốc độ đầu tư công như hiện nay, để bảo vệ được hệ thống đê theo cách tiếp cận cũ thì cần đến 40 năm. 

Vì vậy thời gian vừa qua, tỉnh này đã triển khai nhiều giải pháp, xúc tiến phát triển kinh tế biển, thu hút các dự án điện gió, điện mặt trời, cũng như các dự án trồng rừng nuôi biển, dần dần tái tạo lại những vùng rừng. 

“Tuy nhiên, các dự án này lại vướng mắc với Luật Lâm nghiệp. Trên giấy còn rừng nhưng thực tế thì biển đã đánh tan rừng”, ông Lê Quân nói và kiến nghị Chính phủ, Trung ương xem xét có các chính sách về phát triển rừng, các dự án điện năng lượng cho phù hợp.

Còn vấn đề thiếu nước thì dù lượng mưa hàng năm lớn ( 2.300-2.800 mm) nhưng người dân Cà Mau luôn phải đối mặt với vấn đề thiếu nước ngọt vào mùa khô, còn mùa mưa thì lại nhập. Do đó, vấn đề thuỷ lợi, vấn đề hồ chứa, tái cấu trúc lại nông nghiệp đang được tỉnh này rất quan tâm.

Trước các vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đưa ra 2 kiến nghị về cơ chế và nguồn lực với Chính phủ, Trung ương.

Cà Mau đề xuất tạo điều kiện về cơ chế cho tỉnh liên quan đến vấn đề rừng và biển, để có thể khai thác tốt phát triển kinh tế ven biển. 

“Như vậy, Cà Mau có thể tái tạo và bảo hộ rừng. Đây là điều rất quan trọng nếu không thì dự án nào động vào cũng là rừng, rất khó để chuyển đổi”, ông Lê Quân chia sẻ. Đồng thời, tạo điều kiện về cơ chế cho Cà Mau còn được kỳ vọng liên quan đến lĩnh vực điện năng lượng tái tạo. 

Theo đó, vị này cho rằng, nếu miền Tây và Cà Mau trở thành trung tâm điện năng lượng tái tạo, sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương, hạn chế phá rừng đầu nguồn cũng như tác động của sông Mê Kông đầu nguồn bởi hệ thống chắn sóng có thể hình thành khi phát triển điện gió, điện mặt trời.

“Nguồn lực từ Trung ương là rất quan trọng. Mong Chính phủ có kết luận về 2 tỷ USD để đầu tư cho khu vực ĐBSCL và trong nguồn ODA cũng cần tính toán tỷ lệ vay lại phù hợp vì vấn đề biến đổi khí hậu là rất quan trọng”, ông Quân nói và cho rằng, sẽ rất khó để bứt phá nếu Cà Mau nói riêng và miền Tây nói chung không có hạ tầng đường cao tốc, sân bay và cảng biển. 

Cùng với năng lượng tái tạo thì hệ thống cao tốc được kỳ vọng giúp các tỉnh miền Tây có động lực và nguồn lực tăng trưởng trong trung hạn. 

“Đưa quy hoạch vùng ĐBSCL vào triển khai sẽ còn là thách thức hơn nữa”
“Đưa quy hoạch vùng ĐBSCL vào triển khai thực tiễn sẽ còn thách thức khó khăn hơn nữa, đòi hỏi nỗ lực của toàn bộ chính quyền, Nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư