Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tắc luồng sông Hậu, hàng hoá từ ĐBSCL phải đi qua hàng trăm km về Đông Nam Bộ
Hồng Phúc - 13/03/2021 11:21
 
Theo Bí thư Thành phố Cần Thơ, vùng ĐBSCL chưa có tuyến vận tải hàng hoá kết nối trực tiếp được với thị trường quốc tế, khiến con đường xuất khẩu nông thuỷ sản chưa đạt kỳ vọng.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 120 trong thời gian tới, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành phố Cần Thơ đưa ra 4 kiến nghị. 

Thứ nhất, để có căn cứ xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án, các hoạt động liên kết vùng, đề nghị Chính phủ sớm xem xét quy hoạch vùng ĐBSCL 2021-2030.

Thứ hai, chủ trương tìm đường ra với thị trường lớn cho nông thuỷ sản của vùng như Nghị quyết 120 đến nay chưa làm được nhiều. 

Nguyên nhân được Bí thư Thành phố Cần Thơ đưa ra là vùng ĐBSCL đến nay chưa có tuyến vận tải hàng hoá kết nối trực tiếp được với thị trường quốc tế. 

Về đường hàng không, sân bay Cần Thơ hiện chưa được đầu tư ga hàng hoá cũng như kho logistics hàng không, thẩm quyền đầu tư này thuộc về ACV và đơn vị này chưa có kế hoạch đầu tư.

“Trong khi đó, các nhà đầu tư tư nhân khác mong muốn được đầu tư hạng mục này”, ông Lê Quang Mạnh nói. 

.
Bí Thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp căn cơ để giải quyết ách tắcvề tuyến vận tải hàng hóa kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế (Ảnh: VGP).

Còn về đường biển, cảng quốc tế Cái Cui Cần Thơ có công suất thiết kế đáp ứng được tàu 20 nghìn tấn tuy nhiên Bí thư Cần Thơ cho biết, không có hàng hoá ra vào vì phương án đầu tư luồng sông Hậu hiện chưa hoàn chỉnh. 

Vì vậy, chỉ có sà lan 7 nghìn tấn vào được cảng này và đây là điểm nghẽn lớn vùng ĐBSCL trong khi khoảng 90% lượng gạo, 70% trái cây, 65% thuỷ sản nuôi trồng xuất khẩu của cả nước đến từ ĐBSCL.

“Nhưng tất cả lượng hàng hoá này đều phải đi qua hàng trăm km về khu vực miền Đông Nam Bộ, đang rất quá tải. Mong Trung ương sớm có nghiên cứu căn cơ, nhất quán về việc xây dựng một cảng hàng hải quốc tế cho vùng ĐBSCL. Trước mắt, tập trung cải tạo luồng sông Hậu, duy trì luồng vào cho tàu vào cảng Cần Thơ, đáp ứng công suất 20 nghìn tấn như thiết kế”, Bí thư Thành phố Cần Thơ đề xuất tại Hội nghị lần ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.  

.
Khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến từ vùng ĐBSCL (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).

Về khoản vay hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL, Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu bổ sung 2 tỷ USD tăng thêm cho giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện các chương trình, dự án đầu tư của vùng. 

Theo đó, đại diện này cho biết, Thành phố Cần Thơ ủng hộ đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chương trình DPO, hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL với cơ chế tài chính cấp phát 100% vốn nước ngoài. 

Vì theo thiết kế của chương trình, các dự án được Hội đồng vùng lựa chọn là những công trình liên kết vùng, phục vụ phát triển của nhiều địa phương trong vùng nên không nên xác định là nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương để áp dụng cơ chế cho vay lại 100% theo Luật quản lý nợ công. 

Hơn thế nữa, ông Lê Quang Mạnh đánh giá, điều kiện và khả năng thu ngân sách của các địa phương trong vùng không đảm bảo bù đắp đủ chi, trần nợ vay cơ bản đã hết hoặc gần hết. Và nếu các địa phương phải vay lại thì rất khó có thể thực hiện được. 

Vì vậy, Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện chương trình này theo phương thức cấp phát cho các địa phương. 

.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị (Ảnh: VGP).

Đề xuất cuối cùng về phát triển các dự án năng lượng sạch, ông Lê Quang Mạnh cho biết, thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài mong muốn đầu tư các dự máy nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời để tận dụng tiềm năng rất thuận lợi của ĐBSCL. 

Để tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng tận dụng tiềm năng kể trên, Thành phố Cần Thơ kiến nghị nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm công suất các nhà máy phát điện trong vùng trong tổng sơ đồ điện 8. 

Đồng thời, vị này đề nghị chỉ đạo Uỷ ban vốn Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực phối hợp sớm triển khai đường ống dẫn khí lô B về Ô Môn để kịp qua khí cho các nhà máy hạ nguồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL
Hôm nay (13/03) tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư