Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL
Hồng Phúc - 13/03/2021 09:10
 
Hôm nay (13/03) tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hơn 3 năm trước, cũng tại Cần Thơ, hội nghị đầu tiên về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức. 

“Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL tại Hội nghị năm 2017. 

.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL, đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, các quan điểm chỉ đạo, chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.

Trong ba năm qua, các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đang thấm dần và đã thể hiện trên thực tế bằng những giải pháp phi công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, và đã mang lại nhiều “trái ngọt” như diện tích canh tác ba vụ lúa được cắt giảm, nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ,...

.
Vườn sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang bị héo do mặn (Ảnh: Lê Toàn).

Giữ đúng cam kết về việc hai năm một lần đánh giá toàn diện chính sách cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã chủ trì hai hội nghị quy mô lớn.

Hội nghị lần thứ 3 này sẽ thảo luận, đánh giá những việc đã làm được, đặc biệt những kết quả nổi bật, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội; nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; đại diện lãnh đạo các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long,…

ĐBSCL chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước. Xuất khẩu gạo từ ĐBSCL chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đối với mặt hàng này.

Thủy sản cũng một thế mạnh khác của ĐBSCL. Hiện, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ĐBSCL chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước mặt hàng này. Nhưng cái giá phải trả cho sự phát triển ồ ạt là rừng ngập mặn nhường chỗ cho các vuông nuôi tôm.

Lợi thế của ĐBSCL nằm ở sự dồi dào về tài nguyên đất, nước và môi trường, tuy nhiên dưới thời gian dài khai thác quá mức, các nguồn tài nguyên này đã bị đẩy đến điểm giới hạn bền vững.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Trưởng ban Biên soạn Báo cáo Kinh tế thường niên khu vực ĐBSCL và Giảng viên Cao cấp Trường Fulbright, tương lai phát triển của ĐBSCL một mặt phụ thuộc vào năng lực nuôi dưỡng các nguồn tài nguyên này cho các thế hệ kế tiếp.

Mặt khác, phụ thuộc vào nỗ lực xây dựng những động lực phát triển mới cho vùng. Mô hình tăng trưởng mới phải thích nghi và quản lý được các rủi ro từ môi trường đồng thời có tư duy và cách tiếp cận mới đối với bài toán phát triển của ĐBSCL.

Hỗ trợ nông hộ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn
Chương trình “Better Farms, Better Lives - Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn” vừa được khởi động tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư