Thứ Năm, Ngày 24 tháng 04 năm 2025,
Gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ
Hồng Vân - 23/04/2025 16:05
 
Bộ Tài chính đang đề xuất bãi bỏ quy định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam trong thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

"Lực cản" với nhà đầu tư nước ngoài

Xu hướng thương mại quốc tế hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi giao dịch trực tiếp giữa bên bán và bên mua mà có sự tham gia của nhiều đối tác trong cùng một quốc gia. Mối quan hệ đó chính là hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ với đặc trưng là hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao nhận tại Việt Nam theo chỉ định.

Tại Việt Nam hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp chế xuất, trong đó hơn 100 doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động sản xuất, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín liên hoàn. Trung bình mỗi năm có khoảng 1,88 triệu tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ được đăng ký và hoàn thành thủ tục hải quan.

Công chức hải quan kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. (Ảnh: Bùi Nụ)

Theo Điều 35 của Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa được thực hiện thủ tục hải quan theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ.

Tuy nhiên, Nghị định này kèm theo điều kiện thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam mới được thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ. Việc xác định thế nào là “không có hiện diện tại Việt Nam” rất phức tạp và khó khả thi trên thực tế. Thương nhân nước ngoài được hiểu là không có hiện diện nếu không có văn phòng đại diện, chi nhánh hay hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là những đối tượng không có hoạt động đầu tư kinh doanh, không có văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Việt Nam. Do không hiện diện, họ không được áp dụng thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, khiến việc mua bán hàng hóa phát sinh nhiều chi phí trung gian.

Ông La Quang Thành - Công ty TNHH JDL Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp phải thuê kho ngoại quan gây phát sinh nhiều chi phí. Cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan Hải quan và Bộ Tài chính điều chỉnh hợp lý để giảm tải chi phí và các hoạt động liên quan.

Theo đánh giá của ông Lê Việt Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực V, Cục Hải quan (Bộ Tài chính), quy định này cản trở các nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Họ không đủ điều kiện để được coi là thương nhân không có hiện diện tại Việt Nam nên nếu muốn thực hiện chuỗi cung ứng theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ phải thuê kho ngoại quan, kho bãi sát biên giới, gây phát sinh chi phí bốc xếp, vận tải và kéo dài thời gian làm thủ tục.

Khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu

Một phần vấn đề đã được chỉ ra chính là do hình thức xuất nhập khẩu lại tại chỗ chưa có căn cứ pháp lý vững chắc. Cụ thể, xuất nhập khẩu tại chỗ mới chỉ được quy định trong Luật Thương mại đối với hoạt động gia công cho nước ngoài, còn Luật Hải quan và Luật Ngoại thương chưa đề cập mà mới chỉ quy định tại Nghị định 08.

Xuất phát từ những vướng mắc thực tiễn, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa Luật Hải quan, bổ sung điều khoản về khái niệm xuất nhập khẩu tại chỗ và các thủ tục cơ bản để cơ quan Hải quan có cơ sở làm thủ tục.

Ông Nguyễn Bắc Hải - Phó trưởng Ban Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, khái niệm “không có hiện diện tại Việt Nam” theo Khoản 3, Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương rất rộng và việc xác định có hiện diện hay không liên quan đến nhiều cơ quan, tùy theo chức năng và loại hình đầu tư. Do đó, nếu bỏ quy định “không có hiện diện tại Việt Nam” trong Luật Hải quan sẽ giảm khâu xác minh, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan.

Nếu được đưa vào Luật Hải quan, điểm nghẽn liên quan đến điều kiện thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam mới được thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo Điều 35 Nghị định 08 sẽ được loại bỏ.

Nhờ đó, cả người xuất khẩu và nhập khẩu tại chỗ sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần khơi thông dòng chảy hàng hóa cho xuất nhập khẩu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư