Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 15 tháng 11 năm 2024,
Gỡ “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế
Hà Nguyễn - 28/09/2019 08:45
 
Gọi việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là “nút thắt cổ chai của nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết liệt chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ, đồng thời nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp phải “có trách nhiệm” trước đất nước, xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

10 năm chậm trễ, giải ngân vốn đầu tư công thành “nút thắt cổ chai”

Một sự sốt ruột nhìn thấy rõ của người đứng đầu Chính phủ trước tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. “Chuyện chậm giải ngân không phải chỉ năm nay, mà đã là 10 năm nay, là nút thắt cổ chai của nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức hôm qua (26/9).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, nhưng không khỏi sốt ruột khi có bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, đạt 70-80%, nhưng lại có địa phương chỉ giải ngân được 10-15%. Điều khiến người đứng đầu Chính phủ quan tâm là, các bộ, ngành, địa phương thường “đổ tại” mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế, nhưng rõ ràng, cùng điều kiện, có nơi giải ngân tốt, có nơi giải ngân quá thấp. “Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội, chứ không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan”, Thủ tướng nói.

Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho rằng, giải ngân chậm không chỉ là do các vấn đề như thể chế, mặt bằng, năng lực nhà thầu…, mà còn do các yếu tố chủ quan. “Đúng là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, nhưng trong quá trình thực hiện, giải ngân chậm, thì nhân tố chủ quan là quan trọng nhất”, Phó thủ tướng nói.

Yếu tố chủ quan được Thủ tướng chỉ rõ là không sát sao, không chủ động phân cấp, phân quyền, còn chuyện nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công. “Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu”, Thủ tướng nói.

Nghe lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND TP. HCM, TP. Hà Nội, Đồng Nai… phát biểu, Thủ tướng chỉ đạo ngay, Hà Nội, TP.HCM phải giải ngân trên 90% trong năm nay. Bộ Y tế cũng phải tập trung giải ngân, vì còn nhiều dự án còn dở dang, trong đó có Dự án Bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa làm được trong khi nhu cầu của xã hội về y tế rất lớn. “Tại sao lại không làm được? Phải chuyên nghiệp hơn, quyết liệt hơn”, Thủ tướng nói.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Là một trong những đơn vị được giao nhiều vốn đầu tư công để thực hiện các dự án quan trọng, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công của Bộ chưa đạt kế hoạch là do được giao 25 dự án hoàn toàn mới, trong đó có 14 dự án giao thông cấp bách, nên phải mất thời gian làm thủ tục, từ đấu thầu lập dự án, thiết kế, xây lắp, giải phóng mặt bằng…

“Chúng tôi có nhiều dự án mới, nên thủ tục giao vốn cũng chậm. Lại phải làm các thủ tục đấu thầu. Chưa kể vướng ở vốn đối ứng đối với các dự án ODA, đồng thời phải điều chỉnh nhiều hiệp định. Có dự án hoàn thành thủ tục, nhưng chưa điều chỉnh hiệp định nên cũng chưa được bố trí vốn”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể lý giải.

Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhắc đến hàng loạt dự án quan trọng quốc gia mà Thành phố đang thực hiện, như Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 - Bến Thành - Tham Lương, Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ… để nhấn mạnh, việc giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố tuy khá tích cực, nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

“TP.HCM cam kết giải ngân 90% vốn đầu tư trong năm nay”, ông Tuyến nói và đề cập các giải pháp mà TP.HCM đã và đang thực hiện để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban, đánh giá về tình hình giải ngân, đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát tiến độ, điều chuyển vốn giữa các dự án…

Khen ngợi TP.HCM, Thủ tướng khẳng định, đấy là bài học kinh nghiệm tốt để các địa phương phải thực hiện để thúc đẩy giải ngân.

“Hà Nội cũng có nhiều biện pháp quyết liệt, như giao ban hàng tuần, chủ động vận dụng cơ chế để đền bù giải phóng mặt bằng, phân cấp phân quyền xuống các sở ngành… Sự chủ động là rất quan trọng. Hà Nội cũng đã cam kết giải ngân ít nhất 95%. Trong các giải pháp này, giải pháp nào là khả thi thì đưa vào nghị quyết của Chính phủ về giải ngân đầu tư công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là “nhiệm vụ chính trị trọng tâm”, với mục tiêu không chỉ thúc đẩy giải ngân trong năm nay, mà cả năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. “Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương có vốn đầu tư lớn phải tập trung giải ngân, nhất là với các dự án trọng điểm quốc gia, như Dự án Sân bay Long Thành… Các bộ, ngành cũng phải có sự phối hợp tốt, không được có chuyện “quyền anh, quyền tôi”. Thủ tướng cũng cương quyết, sẽ cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương nếu chậm giải ngân.

Điểm mờ trong bức tranh sáng

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Sau nỗ lực thực hiện, đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136,038 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.

Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Sốt ruột giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chính phủ họp bàn tìm giải pháp
Hôm nay (26/9), Chính phủ họp trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư