Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 22 tháng 10 năm 2024,
Gỡ nút thắt nhân lực và hạ tầng
Nguyên Đức - 29/03/2013 14:43
 
Cùng với việc tiếp nhận các dự án lớn, công nghệ cao là nỗi lo về thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo và sự tắc nghẽn về kết cấu hạ tầng.
TIN LIÊN QUAN

Vào đúng dịp tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đón thêm dự án lớn thứ hai của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), vốn đầu tư 2 tỷ USD. Đó là điều đáng mừng, khẳng định Việt Nam tiếp tục là địa bàn đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, lựa chọn.

Tuy nhiên, cùng với việc tiếp nhận các dự án lớn, công nghệ cao, là nỗi lo về thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo và sự tắc nghẽn về kết cấu hạ tầng. Thực tế cho thấy, hiện Khu tổ hợp công nghệ của Samsung ở Bắc Ninh (Samsung Complex) đang thu hút khoảng 30.000 lao động. Một con số tương tự cũng đã được nhắc tới đối với Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) vừa được động thổ vào đầu tuần này.

Tìm kiếm được một lực lượng lao động khổng lồ ấy không đơn giản, nhất là khi đây là một dự án công nghệ cao, đòi hỏi lao động phải có một trình độ kỹ thuật và tay nghề nhất định.

https://baodautu.vn/stores/news_dataimages/manhcuong/032013/28/23/Sam_sung.jpg

Để triển khai dự án thứ nhất tại Bắc Ninh, Samsung Complex đã khá vất vả khi phải đi tới nhiều địa phương trong cả nước mới có thể tuyển dụng đủ nhân công. Khi dự án này tiếp tục được mở rộng và khi SEVT đi vào hoạt động, bài toán nhân lực càng trở nên khó giải hơn.

Hơn nữa, đấy cũng mới chỉ nói đến nhu cầu nhân lực của dự án trung tâm. Samsung Complex hiện đã thu hút được 80 nhà đầu tư vệ tinh, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động. Với SEVT, nhu cầu cũng sẽ tương tự như vậy, thậm chí cao hơn, bởi dự án này có vốn đầu tư lớn hơn Samsung Complex và thậm chí, còn dự định xây dựng thêm một nhà máy sản xuất vi mạch, quy mô 1,2 tỷ USD. Chưa kể, Samsung sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam với , nhu cầu sử dụng một số lượng lớn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật.

Như vậy, chưa nói tương lai xa hơn, chỉ nhìn vào hai dự án của Samsung, một nhà máy của Nokia ở Bắc Ninh đang trong giai đoạn xây dựng, hay sắp tới, có thể thêm một dự án quy mô lớn của LG ở Hải Phòng, thì có thể thấy, nếu không có sự chuẩn bị khẩn trương Việt Nam sẽ rất bị động trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các nhà đầu tư.

Cùng với nhân lực, còn một yếu tố khác cũng cần phải nói tới, đó là Việt Nam cũng phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc đáp ứng nhu cầu đầu tư của các dự án lớn. Chỉ riêng nhà ở cho công nhân cũng là cả một vấn đề. Chưa nói tới chuyện điện, nước phục vụ sản xuất, hạ tầng giao thông, phục vụ việc xuất khẩu và lưu thông hàng hóa, hay hạ tầng xã hội, liên quan đến dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo...

Nhìn vậy để thấy, đây là một bài toán hóc búa mà để có lời giải đòi hỏi phải có sự nỗ lực và khẩn trương vào cuộc của cả Trung ương và địa phương cùng với sự hợp tác chặt chẽ của chính các nhà đầu tư. Điều này càng quan trọng hơn, khi Việt Nam đang kỳ vọng sẽ thu hút nhiều hơn nữa các dự án lớn, công nghệ cao phục vụ công cuộc phát triển, công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Việt Nam hiện đã thu hút được trên 214 tỷ USD vốn FDI đăng ký, nhưng vốn giải ngân mới chỉ đạt gần 100 tỷ USD. Nâng cao chất lượng nhân lực, hạ tầng chính là những yếu tố quan trọng tăng khả năng hấp thụ vốn FDI trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư