Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Cử tri và Thống đốc đều kêu khó
Nguyễn Lê - 14/03/2023 09:57
 
Cử tri kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ lãi suất phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy phát triển khôi phục kinh tế sau đại dịch.
.
Ảnh minh hoạ .

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Cụ thể, cử tri tỉnh này cho rằng hiện nay việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh không đạt như kỳ vọng.

Những vướng mắc được cử tri đề cập như khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại (vì đã được cho vay với lãi suất ưu đãi mà có tiền gửi tại ngân hàng thương mại nếu vay hỗ trợ lãi suất có thể sẽ bị đánh giá trục lợi chính sách trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán); khách hàng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất vì không có đăng ký hộ kinh doanh; đã được hỗ trợ lãi suất khác nhưng đang quá hạn...

Ngoài ra còn có cả vướng mắc từ việc các ngân hàng đánh giá "có khả năng phục hồi"dẫn tới khách hàng khó tiếp cận chính sách,

Về phía ngân hàng thì các ngân hàng thương mại còn e ngại vi phạm nên chưa dám quyết định hỗ trợ. Ngân hàng thương mại và khách hàng khó xác định, bóc tách dư nợ vay hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng vay kinh doanh nhiều mục đích khác nhau nhưng khó bóc tách mục đích được hỗ trợ lãi suất và mục đích không được hỗ trợ lãi suất. Ví dụ như vay thu mua nguyên vật liệu đầu vào để vừa chế biến - thuộc ngành công nghiệp chế biến được hỗ trợ lãi suất, vừa kinh doanh thương mại thuộc ngành bán buôn bán lẻ - không được hỗ trợ lãi suất.

Việc bản thân khách hàng không muốn tham gia hỗ trợ lãi suất do e ngại công tác thanh tra kiểm tra kiểm toán, ngân hàng và khách hàng đều khó đánh giá, xác định "khả năng phục hồi" đã làm cho chính sách này không đi vào cuộc sống.

Do đó cử tri kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy phát triển khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Văn bản trả lời cử tri nêu rõ, hỗ trợ lãi suất là một chính sách mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương nhất từ trước đến nay, tuy nhiên kết quả còn thấp chưa được như kỳ vọng.

Việc này do nhiều nguyên nhân, như bối cảnh kinh tế đã khác so với khi đề xuất xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tâm lý e ngại của khách hàng và ngân hàng thương mại đối với các thủ tục thanh tra, kiểm toán sau này, e ngại khi đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng.

Theo văn bản của Thống đốc, để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 và xin ý kiến các bộ ngành, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến các bộ ngành và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ, báo cáo Chính phủ về việc ban hành nghị định sửa đổi và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện chương trình với quyết tâm cao nhất.

Tuy nhiên theo khảo sát thực tế từ ngân hàng thương mại và khách hàng mức độ hấp thụ giải ngân kết quả hỗ trợ lãi suất vẫn phụ thuộc rất lớn vào tâm lý của khách hàng không muốn tham gia hỗ trợ lãi suất do những e ngại nêu trên.

Qua khảo sát và báo cáo của ngân hàng thương mại ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trong số khách hàng thuộc ngành lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.

Văn bản trả lời cử tri cũng nêu, trong thời gian tới Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục xác định triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh việc triển khai, sẽ kịp thời tiếp nhận tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực thi chính sách này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư