Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Gói tín dụng hàng không: Sắp đối thoại với các hãng bay để tìm cơ chế cho vay
T.L - 27/09/2021 08:18
 
Dự kiến, thứ Ba, ngày 28/9, ngành ngân hàng sẽ mời các doanh nghiệp hàng không, các tổ chức tín dụng, các bộ ngành và hiệp hội có liên quan để đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn.
f
Các hãng bay đều đang thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng.

90% máy bay nằm chờ, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho hay, 9 tháng đầu năm nay, ngành du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4), hoàn toàn dựa vào khách du lịch nội địa. Các nhà hàng khách sạn, đơn vị lữ hành, vận chuyển, hệ thống dịch vụ hầu như phải tạm dừng. Đặc biệt, từ khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đến nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều đóng cửa 100%, đang hoàn toàn kiệt quệ, doanh thu bằng 0, hàng vạn lao động thất nghiệp.

“Ngay như với Vietravel, một đơn vị đứng đầu trong ngành du lịch, với 1.700 nhân viên, có những thời điểm chúng tôi đến cơ quan chỉ 15-20 người để duy trì các hoạt động hành chính thông thường, bảo vệ cơ sở vật chất. Doanh thu của Vietravel khi trước dịch khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng/năm, đến giờ này sau 3 tháng hoạt động chúng tôi đang rất lo lắng không biết có đạt được khoảng 10% hay không?”, ông Kỳ băn khoăn.

Trong khi nhiều nước trong khu vực đã  nhanh chóng phủ sóng vắc xin và mở cửa trở lại, thậm chí tại Trung Quốc, khách du lịch nội địa đã phục hồi so với thời điểm trước dịch thì tỷ lệ tiêm vắc xin ở Việt Nam vẫn còn thấp, khiến khả năng phục hồi trở lại của ngành du lịch vẫn còn mờ mịt.   

“Chúng tôi dự báo khả năng du lịch VN có thể mất hết năm 2021, chỉ có thể bắt đầu phục hồi vào tháng 1/2022. Tình hình du lịch từ giờ đến cuối năm sẽ còn khó khăn nữa, các doanh nghiệp cố gắng tồn tại “sống cho đến lúc bình minh”. Việc thu hút lại lao động sau khi dịch bệnh được kiểm soát là rất khó. Những gói giải ngân hỗ trợ vừa qua tồn tại nhiều vấn đề, chủ trương thì có nhưng thủ tục, chính sách, rào cản nhiều quá. Doanh nghiệp chúng tôi có 1.700 người, nhưng chỉ có 141 người đủ tiêu chí được nhận gói hỗ trợ gần đây nhất cho các hướng dẫn viên du lịch. Con số này đối với 1 doanh nghiệp thì không ổn”, ông Kỳ nói thêm.  

Trong khi đó, TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, hàng không là  có chi phí đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao. Từ đầu năm đến nay, tình trạng máy bay phải nằm chờ tại sân bay kéo dài, khoảng 80-90% máy bay, chi phí thường xuyên bình quân trên 100 tỷ đồng/ngày.

Do chi phí lớn, nhu cầu về vốn để trả cho đối tác mua máy bay, đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo dưỡng, chi phí lương cho nhân viên, nợ ngắn hạn cũng như nợ phải trả của các hãng hàng không hiện nay vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng thiếu hụt nghiêm trọng.

Chính vì vậy, theo ông Nề, ngành hàng không đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp về nguồn vốn, cụ thể, xem xét cho các hãng hàng không khác được hưởng lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines để giải quyết thanh khoản. Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu, quy mô thị phần, đóng góp ngân sách trong thời gian qua của các hãng hàng không.

Sẽ có gói tín dụng cho doanh nghiệp hàng không

Theo ông Nề, mặc dù phía ngân hàng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song ngành hàng không đang cần những gói hỗ trợ lớn hơn để giải cứu doanh nghiệp, kích cầu thị trường du lịch.  Được biết, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đã có đề xuất từ tháng 1/2020 là gói vay 200.000 tỷ đồng ưu đãi về lãi suất cho các hãng hàng không. Mục đích là giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị và thực hiện các chương trình, dự án bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh còn kéo dài.

Liên quan đến kiến nghị của các doanh nghiệp ngành hàng không, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng. Nghị quyết 105 mới ban hành của Chính phủ đang giao cho ngành ngân hàng nghiên cứu cơ chế trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm thì báo cáo các cấp để hỗ trợ ngành hàng không, để đảm bảo khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.

“Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến trong thứ Ba tuần tới, ngành ngân hàng sẽ mời toàn bộ doanh nghiệp hàng không, các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực hàng không và các cơ quan bộ ngành và hiệp hội có liên quan để có buổi đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn”, ông Tuấn Anh cho hay.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, vấn đề khó khăn nhất khi hỗ trợ tín dụng các doanh nghiệp hàng không là hiện nay, đa phần các hãng hàng không đều không đáp ứng tiêu chuẩn vay vốn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (thua lỗ, nợ xấu, không có dòng tiền, không chứng minh được doanh thu trả nợ…). Như vậy, ngay cả khi ban hành gói tín dụng hỗ trợ ngành hàng không, vẫn cần có một Nghị quyết của Quốc hội, đưa ra cơ chế cho vay đặc biệt thì ngân hàng mới có thể cho vay với doanh nghiệp hàng không.

“Cấp cứu” vốn cho doanh nghiệp hàng không: Lên sàn gọi vốn hay cấp tín dụng ưu đãi?
Sau khi Vietnam Airlines được cho vay 4.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi, VietJet và Bamboo cũng muốn Chính phủ cho vay ưu đãi hàng chục ngàn tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư