Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Hà Nam tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư
Thanh Thu - 05/08/2015 08:51
 
Ngày mai (6/8), tại TP.HCM, UBND tỉnh Hà Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Nhân dịp này, ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam, trao đổi với Báo Đầu tư về tiềm năng thu hút đầu tư của Hà Nam.
Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị viễn thông và đèn LED chiếu sáng của KMW xây dựng tại Hà Nam mỗi năm sẽ sản xuất 600.000 sản phẩm các loại
Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị viễn thông và đèn LED chiếu sáng của KMW xây dựng tại Hà Nam mỗi năm sẽ sản xuất 600.000 sản phẩm các loại.

 

Hà Nam có những lợi thế gì để thu hút các nhà đầu tư, thưa ông?

Tỉnh Hà Nam nằm ở vị trí chiến lược, chỉ cách Hà Nội 50 km về phía Bắc, giáp tỉnh Hưng Yên ở phía Đông, giáp Nam Định và Ninh Bình ở phía Nam và giáp tỉnh Hòa Bình ở phía Tây. Hà Nam chỉ cách Sân bay quốc tế Nội Bài 1,5 giờ và cách Cảng Hải Phòng 2 giờ đi ô tô.

Hà Nam cũng nằm trên trục giao thông chính của quốc gia như Quốc lộ1A, đường sắt Bắc - Nam và các tuyến đường liên vùng như quốc lộ 38, 21A, và 21B. Ngoài ra, Hà Nam còn có mạng lưới đường thủy dài 200 km cùng hệ thống cầu vững chắc. Với vị trí chiến lược như vậy, Hà Nam có đủ tiềm năng phát triển kinh tế và thu hút các nhà đầu tư một cách mạnh mẽ.

Một lợi thế nữa của Hà Nam là tỉnh rất giàu tài nguyên khoáng sản, đất đai màu mỡ, nhất là trữ lượng đá vôi lớn, với hơn 7 tỷ mét khối, thuận lợi cho phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng. Hà Nam còn có lực lượng lao động trẻ, có tay nghề và hệ thống các khu công nghiệp hầu như đã được lấp đầy bởi các dự án đầu tư.

Tổng sản phẩm của tỉnh tăng bình quân 13,15%/năm, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Chúng tôi coi công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững, để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này thì các nhà đầu tư đóng vai trò rất quan trọng.

Tỉnh Hà Nam định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực gì?

Chúng tôi đặt ưu tiên vào thu hút đầu tư trong sản xuất công nghiệp, với các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp, ô tô, xe máy, điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới, chế biến, bảo quản nông sản và thực phẩm.

Ngoài 4 khu công nghiệp (KCN) hiện có, Hà Nam đang mời gọi nhà đầu tư vào các khu công nghiệp khác như: Đồng Văn 3 (300 ha), Đại Cương (300 ha), Thanh Liêm (200 ha) và Thái Hà (200 ha). Các nhà đầu tư cũng được khuyến khích vào đầu tư xây dựng cảng thông quan nội địa, các nhà máy cung cấp nước sạch, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp, đô thị.

Chúng tôi cũng đón chào các dự án trồng và chế biến các sản phẩm rau, củ, quả sạch phục vụ cho các siêu thị lớn và xuất khẩu, cũng như các dự án xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, Hà Nam cũng ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Hiện, chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư vào Khu đại học Nam Cao, Khu y tế chất lượng cao cấp vùng, đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục đại học tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng muốn thu hút đầu tư vào xây dựng các bệnh viện cao cấp và cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc người già.

Đặc biệt, chúng tôi cũng đón chào các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị, khuyến khích họ đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch như khu đô thị, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu trung tâm thương mại, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư xây dựng sân golf và các các nhà hàng, khách sạn, khu trung tâm thương mại, siêu thị mini tại trung tâm các huyện, thành phố và các khu công nghiệp. Về dự án cụ thể, Tỉnh đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc (hạ tầng, khu tâm linh, khu dịch vụ ăn uống và giải trí).

Tính đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh có 500 dự án đầu tư còn hiệu lực, với số vốn đăng ký là 4,468 tỷ USD, trong đó có 132 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký là 1,27 tỷ USD. Riêng trong các KCN có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực với 112 dự án FDI, tổng vốn đăng ký là 1.196,4 triệu USD và 93 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.126,1 tỷ đồng.

Tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn như về thuê đất, chúng tôi áp dụng giá thuê đất thống nhất đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, với thời hạn thuê kéo dài 50 năm.

Các nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng nhà ở phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp, các công trình công cộng có mục đích kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học công nghệ.

Các nhà đầu tư cũng được miễn tiền thuê đất trong vòng 3 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, miễn 7 năm đối với dự án đầu tư vào huyện Thanh Liêm, Lý Nhân. Họ cũng được miễn 11 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư và miễn 15 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư vào địa bàn 2 huyện này; miễn 11 năm với dự án thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN.

Về chính sách thuế, chúng tôi áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập ưu đãi cho các nhà đầu tư. Cụ thể, các dự án đầu tư vào địa bàn huyện Thanh Liêm, Lý Nhân được hưởng mức thuế suất 20% trong 10 năm, miễn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Họ cũng được miễn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư vào KCN.

Đối với thuế nhập khẩu, chúng tôi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để gia công cho phía nước ngoài và hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, bao gồm thiết bị máy móc, linh kiện chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp...

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được hỗ trợ về đào tạo và tuyển dụng lao động.

Diễn đàn Kinh tế - Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam tổ chức ngày mai tại TP.HCM sẽ có những hoạt động gì?

Sự kiện này được UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP. HCM tổ chức, với sự tham gia đông đảo của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, TP.HCM, tỉnh Hà Nam và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, diễn đàn này còn có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán/Lãnh sự quán một số nước tại Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, EU…), các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế (KOTRA, JETRO, JICA, KOICA…), các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế tại TP.HCM và nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.

Tại Diễn đàn, chúng tôi sẽ giới thiệu tới nhà đầu tư tiềm năng, thế mạnh của Hà Nam và các cam kết của tỉnh với nhà đầu tư.

Dự kiến, tại diễn đàn này, UBND tỉnh Hà Nam sẽ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án của các công ty như Công ty sữa Nutifood, doanh nghiệp Israel, Nhật Bản (Fujitsu, Nippon Việt Nam Agreen) và Hàn Quốc (KMW).

Bầu Đức và Nutifood xây ‘biệt thự bò’ tại Hà Nam
Bí thư Hà Nam Mai Tiến Dũng cho biết với sự hỗ trợ của Hoàng Anh Gia Lai và Nutifood, tỉnh này sẽ có những “biệt thự bò” dọc 45km bờ sông Hồng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư