Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội chú trọng đầu tư phát triển các cụm công nghiệp
T.T - 24/10/2022 20:27
 
Việc phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, "mở cửa" nền kinh tế, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội 9 tháng năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6%  so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 4,1%). Tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,2%; khai khoáng giảm 5,7%...

Trong 9 tháng qua, phần lớn các ngành và sản lượng sản xuất đều tăng do doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh công suất hoạt động để nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhiều ngành phục hồi ấn tượng, góp phần tăng cao chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp 9 tháng như sản xuất đồ uống, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp phát triển vững mạnh, sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha. Trong đó, có 1.392 ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này rất cao, hầu hết đều đạt 100% diện tích.

Sở Công Thương Hà Nội đang đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, gồm: 37 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018 - 2020 và Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017. Cùng với đó, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư mới, mở rộng 21 cụm công nghiệp; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu thành lập thêm từ 2 đến 5 khu công nghiệp mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).

Việc thành lập và hoàn thiện các khu công nghiệp này nhằm thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Hà Nội kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc
Sau nhiều năm Hà Nội tập trung cải tạo giống bò, nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào thực tiễn sản xuất, giúp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư